Bếp lửa M’Nông Nong
Nhà của người M’Nông Nong có kiểu kiến trúc thật ấn tượng, không giống với bất kỳ nhà của dân tộc nào ở Tây Nguyên, kể cả các nhánh M’Nông Gar hay M’Nông Kuanh.
Thoạt nhìn, ngôi nhà như một chiếc nấm khổng lồ màu xám vừa đùn lên khỏi mặt đất. Nhìn kỹ lại như tổ chim vĩ đại - có thể là tổ của loài đại bàng đất vốn hiền lành và chân chỉ nơi thảo nguyên. Mái lợp lá kéo từ đỉnh nhà phủ lòa xòa sát đất. Chủ nhân không cắt đầu lá cho bằng như thông thường mà để mặc phần ngọn lá mềm mại rủ xuống.
Cửa ra vào của ngôi nhà M’Nông Nong thường trổ nơi phía đầu hồi, cũng có khi trổ phía hông nhà hoặc góc tiếp giáp giữa hông nhà và hồi nhà. Nếu cửa trổ nơi hồi nhà, thì ở phía trên cửa ra vào, chủ nhân của ngôi nhà thường áp xéo hai tấm tranh (cỏ tranh đan thành tấm lợp). Cách áp hai tấm tranh phía trên cửa ra vào làm người ta liên tưởng đến hai cánh chim đại bàng trong dáng vút bay lên trời xanh… Nhà nào cầu kỳ thì có thể uốn cong phần mái nơi cửa thành một mái vòm chìa ra. Nếu không có cái vòm nhỏ tạo nên sự khác biệt thì bạn khó mà tìm được cửa ra vào ngôi nhà.
Muốn vào ngôi nhà ấy, bạn phải cúi mình, vén đám lá ra, rồi bước vào.
Khi lom khom đi vào một ngôi nhà của người M’Nông Nong, không thể nào không nghĩ hệt như bạn đang vén cỏ, vén dây leo để chui vào một cái hang. Đám lá cỏ tranh quẹt vào mặt bạn, vào tay bạn nham nháp. Vòm mái tranh khum khum trên đầu. Bạn nhấc cánh cửa liếp đan bằng tre thấp lè tè. Và bạn bước vào một không gian tối om om, làm bạn phải đứng sững lại, chớp chớp mắt cho quen với bóng tối.
Trong số các dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, người M’Nông thường cư trú ở những vùng rừng núi, nằm sâu phía nam Tây Nguyên. Dân tộc M’Nông là một dân tộc lớn, xét về mặt văn hóa. Điều đó chỉ được chứng minh gần đây, khi các nhà nghiên cứu văn hóa tìm ra, tổ chức sưu tầm kho sử thi khổng lồ của người M’Nông, được gọi là Ot Ndrong. Hệ thống sử thi của người M’Nông, với nhân vật trung tâm là chàng Tiang, một người anh hùng có năng lực siêu nhiên, mô tả quá trình hình thành và phát triển của dân tộc này. Ot Ndrong của người M’Nông đồ sộ đến mức, giới nghiên cứu nhận định, vượt cả sử thi Ấn Độ, và cho đến nay đang được xếp vào loại đồ sộ nhất thế giới. Mà quá trình sưu tầm sử thi vẫn chưa hoàn thành, trong khi những người nhớ và hát được Ot Ndrong đã theo nhau “về với ông bà”, mang theo những câu chuyện chưa từng được chép lại.
Người M’Nông là chủ nhân của hai bộ đàn đá nổi tiếng được phát hiện. Đàn đá Đắc Kar có niên đại khoảng 2.500 năm, phát hiện ở xã suối Đắc Kar, xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông. Bộ đàn đá thứ 2 được phát hiện năm 2014 tại thôn Đắc Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông, được đặt tên là đàn đá Đắc Sơn.
Khi vén cửa bước vào một ngôi nhà của người M’Nông Nong, có nhiều cảm giác cùng lúc ào về làm bạn choáng ngợp. Bạn như bước vào một thế giới cổ xưa, hơi có phần hư ảo. Như bạn vừa lọt vào một cái hang của người tiền sử. Giữa lòng hang là bếp lửa đỏ rực, không đủ hắt quầng sáng ấm áp của nó đến những góc xa nhất của ngôi nhà. Bạn ngước nhìn lên. Vòm trần rất cao. Và khác với cảm giác tuềnh toàng bạn hình dung về một ngôi nhà mái lá, vách thưng bằng những tấm liếp thưa, vòm trần thực sự là một tác phẩm tráng lệ. Người M’Nông Nong lợp lá mây chồng lên lớp cây song thành một mái vòm cong. Những cuống lá ken vào nhau đẹp như hoa văn. Qua nhiều năm tháng, khói củi bám vào vòm mây, những gân lá óng lên. Trong ánh bập bùng của ngọn lửa, vòm mây lấp loáng bắt sáng. Bạn sẽ mường tượng mình đang ở trong ngôi nhà có từ thời chàng Tiang…
Trong một đêm cuối năm, khi đi trên con đường nhỏ dẫn tới ngôi nhà của một người M’Nông Nong ở bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắc Nông), tôi bị ngợp vì gió. Tây Nguyên nơi nào cũng nhiều gió, nhưng tôi cứ cảm giác như tất cả gió dồn về nơi này. Gió như gào rú trên những mái nhà. Ở trong ngôi nhà mái tôn, gió khua sầm sập, tiếng vang như thể cả đàn ngựa đang gõ móng ào qua. Người lạ không thể nào ngủ nổi trong tiếng gió ấy. Cuối năm, là mùa khô, mùa gió dữ, và lạnh. Thanh niên đi chơi từng tốp, khoác chăn mới đủ ấm.
Nhưng lạ thay, khi hạ tấm liếp cửa xuống, đặt hẳn bước chân vào lòng ngôi nhà, mọi âm thanh gào rú của gió bỗng tắt lịm. Tiếng lao xao cười nói bên ngoài nghe xa xôi mơ hồ. Trong nhà ấm sực. Có lẽ người M’Nông Nong đã mất hàng trăm năm, ngàn năm, qua nhiều nhiều thế hệ mới sáng tạo được một nơi ở khắc chế được thiên nhiên khắc nghiệt ở vùng này. Mái nhà hình vòm là có lý. Mái phủ sát đất là có lý. Cửa nhà thật nhỏ và thấp, ẩn trong vòm lá là có lý. Vách nhà không thẳng mà khum khum, là có lý.
Một người già ở bon Bu Prăng giải thích cho tôi hay, rằng, kiểu nhà của người M’Nông Nong là kiểu nhà tránh gió. Người M’Nông Nong cư trú ở vùng Nam Tây Nguyên, sát với biên giới Việt Nam - Campuchia, độ cao trên dưới 1.000 mét, về mùa khô gió quăng quật suốt ngày đêm. Gió xô nghiêng cây rừng, bào nhẵn sườn đồi vách núi, gió ép cả dáng người nao nao theo gió… Vậy mà khi bước vào ngôi nhà người M’Nông Nong, gió như tan biến đâu hết, chỉ còn lại làn khói xanh bay lên từ bếp lửa…
Bếp lửa giữa nhà âm ỉ than. Có khách, chủ nhà chất thêm mấy cành củi, lại cháy bùng lên, phút chốc đám khói mờ mịt bị đẩy lên trần nhà rồi bám vào từng búi tranh, từng lọn khói cứ lơ lửng ở đó… Chủ nhà là Điểu Ghép, mà bà con trong bon hay gọi là Bợ Chác. Bợ Chác và người phụ nữ cùng bon tên là Thị Mác chiều lòng khách bằng mấy điệu dân ca M’Nông, tất nhiên là không thiếu Ot Ndrong. Theo lệ, hát là phải có rượu. Ông già chủ nhà là người uống ly rượu đầu tiên, tiếp theo là bà vợ. Sau đó mới đến lượt khách nâng ly.
Không hiểu ai báo mà người ta rủ nhau kéo đến nhà Điểu Ghép. Để nghe Ot N’drong (Ot nghĩa là hát kể chuyện, Ndrong: sử thi). Mỗi lần nghe tiếng gió rít lên là biết có một người vừa hé cửa lách vào nhà. Chắc dân làng thấy nhà Điểu Ghép có khách lạ đến ban đêm, đoán kiểu gì Điểu Ghép cũng sẽ đãi khách món Ot Ndrong, nên đến nghe ké. Chỉ một lát, lòng nhà đã đầy chật người.
Chủ nhà và khách ngồi trên cái phản nhỏ ép vào vách nhà. Dân làng, người đứng dựa cột nhà, người kê củi làm ghế, người lót dép ngồi dưới đất. Mà lặng phắc, chỉ nghe tiếng hát của Điểu Ghép và Thị Mác, tiếng lửa nổ lách tách, và tiếng xuýt xoa, chắc là câu chuyện đang đến hồi gay cấn (tôi đoán qua giai điệu trầm bổng của câu hát và cách nhấn nhá của người hát). Trong lòng ngôi nhà, tiếng hát cất lên không to vẫn đủ vang để những người đứng ở góc xa nhất vẫn nghe thấy. Lớp lá dày phủ từ nóc xuống sát mặt đất như tấm cách âm đủ dày để ngăn tiếng động và hơi lạnh bên ngoài tràn vào nhà, lại giữ cho hơi ấm và âm thanh trong nhà không bị tiêu tán.
Sau này, khi một số tác phẩm sử thi M’Nông được xuất bản, tôi hiểu vì sao người M’Nông say mê Ot N’drong. Kho sử khi khổng lồ nhất thế giới ấy không chỉ kể những câu chuyện hấp dẫn về huyền sử của dân tộc M’nông mà còn được kể bằng ngôn ngữ bay bổng, đầy chất thơ.
Từ thời xa xưa
Có con bướm soi mình trên đá
Có con bướm quan hệ với đá
Con chuồn chuồn quan hệ với đá nước
Hòn đá đẻ ra một trăm con người
Dòng thác sinh ra một ngàn con người
Nước biển sinh ra trứng và nở ra Tiăng…
Ngoài kia gió cứ ào ào, vút vút, còn phía trong ngôi nhà vòm mái lợp lá mây cầu kỳ, lịch sử dân M’Nông hiện lên theo điệu kể sử thi của Điểu Ghép, Thị Mác…
Hình như có đoạn sử thi kể rằng “Ngôi nhà của người M’Nông Nong có từ thời chàng Tiang…”