Nền kinh tế năm 2023 dưới thấu kính chuyên gia

H.HƯƠNG-P.VÂN-L.HƯƠNG (thực hiện) 18/01/2023 09:56

Bão giông của năm 2022 sẽ vẫn còn ảnh hưởng, nhưng dẫu vậy nhiều định chế tài chính quốc tế vẫn cho rằng năm 2023, Việt Nam sẽ là một điểm sáng kinh tế. Phần lớn các chuyên gia kinh tế trong nước khi được hỏi cũng chung nhận định như vậy. Nhân dịp năm mới, chúng tôi đã gặp gỡ một số chuyên gia kinh tế: TS Nguyễn Trí Hiếu, PGS Đinh Trọng Thịnh, TS Nguyễn Minh Phong, TS  Trần Toàn Thắng; để cùng hình dung những thuận lợi cũng như khó khăn của kinh tế đất nước trong năm 2023.

Xuất khẩu của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp đà tăng trưởng trong năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều khó khăn bủa vây?

PV: Thưa các vị, năm 2023, nền kinh tế đất nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?

TS Nguyễn Trí Hiếu.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Những khó khăn của 2022 tiếp tục kéo sang 2023. Tuy nhiên nhìn toàn cảnh 2023 sẽ xuất hiện nhiều điều tích cực hơn. Đó là Mỹ chấm dứt được lạm phát cao, kỳ vọng sẽ ngừng tăng lãi suất. Khi tình hình kinh tế tài chính 2023 ổn định, thì Mỹ cũng tiếp tục là quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều, điều này chắc chắn có lợi cho nhiều quốc gia trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, năm 2023 vẫn còn những bất ổn như xung đột Nga - Ucraina tiếp tục tác động kinh tế toàn cầu. Nếu chính sách “zero Covid” của Trung Quốc chưa dừng thì chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ ảnh hưởng, tạo ra sự bất cân đối cung cầu toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Vệt Nam.

Vậy nền kinh tế nội tại của Việt Nam thì sao? Điểm tích cực vẫn là tăng trưởng, dù không cao như năm 2022.

Với thị trường tài chính năm 2023, vấn đề trái phiếu cần tiếp tục giải quyết. Cùng đó, thị trường bất động sản cũng có thể còn khó khăn buộc các nhà kinh doanh bất động sản phải có bài toán kinh doanh phù hợp hơn, nhắm vào nhu cầu của đại bộ phận người dân, cung cấp sản phẩm phù hợp đối với số đông thay vì hướng đến các phân khúc xa xỉ, cao cấp. Năm 2023 là năm thử thách cho kinh doanh bất động sản.

Còn thị trường vàng, năm 2023 cũng nên cẩn trọng. Nhà đầu tư đừng chờ đợi sự tăng giá, chúng ta mong sự ổn định cho thị trường.

PGS Đinh Trọng Thịnh.

PGS Đinh Trọng Thịnh: Khó khăn nhiều lắm! Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong 2023 này. Nhiều quốc gia tiếp tục quá trình chống lạm phát. Trong khi đó chúng ta nhớ rằng nền kinh tế Việt Nam lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Chưa kể quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế hồi phục lại sau đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, có thể sẽ thay đổi trong sản xuất kinh doanh, điều này tác động đến nguồn vốn ngoại rót vào Việt Nam.

Như vậy một số ngành nghề sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm lại, lao động giãn ra. Nâng cao năng cao năng suất lao động vẫn là vấn đề khó. Năm 2023 chi phí logistic vẫn tăng do vấn đề về năng lượng, dầu mỏ chưa tìm được tiếng nói chung từ các nước lớn, đẩy chi phí đầu vào tăng.

TS Trần Toàn Thắng.

TS Trần Toàn Thắng: Nền kinh tế trong xu hướng hồi phục, tuy nhiên phải đối mặt với không ít các yếu tố bất lợi, rủi ro và thách thức mới, cùng xuất hiện. Chẳng hạn như các khó khăn của năm 2022 kéo dài, xung đột tại Ukraine và khủng hoảng năng lượng; tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách tăng lãi suất của Mỹ và phản ứng các đồng tiền lớn khác... đặc biệt là vòng xoáy lạm phát và nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn. Các chuỗi cung ứng tiếp tục ở trạng thái khan hiếm, đứt gãy, nguy cơ giá cả vẫn sẽ ở mức cao ngay cả khi chính sách tiền tệ được thắt chặt.

TS Nguyễn Minh Phong: Thực tế trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam nổi lên như điểm sáng cả về kim ngạch, mức xuất siêu, cơ cấu hàng xuất và sự phục hồi thị trường.

Năm 2023 Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi nhưng những bất định cũng gia tăng khiến tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu có thể chậm lại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa có đột phá rõ rệt.

TS Nguyễn Minh Phong.

Nền kinh tế đòi hỏi chúng ta kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia…Hơn nữa, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả trong nhận thức và thể chế trong tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng dầu) cho sản xuất, đời sống; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ...

Các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022-2023 đều bị điều chỉnh giảm mạnh do các bất ổn có xu hướng gia tăng. Về tăng trưởng của năm 2023, IMF cũng hạ dự báo GDP từ mức 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự kiến sụt giảm mạnh. Sự suy giảm của các nền kinh tế lớn sẽ có những tác động cụ thể nào đến kinh tế Việt Nam, thưa quý vị?

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào cho rằng, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6 lên 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%. Để đối phó với những thách thức này, các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý những rủi ro tiêu cực và giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả. Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn có tác động! Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế xuất nhập khẩu. 20 năm vừa qua Việt Nam phát triển mạnh về ngoại thương, xuất nhập khẩu 2 chiều tăng là điều tốt nhưng điều này chứng tỏ sự lệ thuộc kinh tế Việt Nam vào ngoại thương. Sang 2023 chúng ta có sự hội nhập lớn, có 20 hiệp định thương mại mở ra đó là cơ hội rất tốt nhưng nếu không phát huy tận dụng thì không tốt. Chúng ta cũng đã thấy nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị trả lại do không đáp ứng điều khoản thương mại. Việt Nam cần có sự điều chỉnh lại về kỹ thuật hàng xuất khẩu, kiểm soát chặt chất lượng hàng xuất khẩu.

PGS Đinh Trọng Thịnh: 2023 là năm thách thức của kinh tế Việt Nam. Tôi đã nói ở trên, kinh tế các nước phát triển, các nước lớn tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao. Nền kinh tế toàn cầu dự báo rơi vào trạng thái lạm phát trì trệ, tức là tăng trưởng chậm mà lạm phát cao.

Với Việt Nam, hoạt động đầu tiên là nhập khẩu hàng hoá đến 40% làm đầu vào cho sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn. Lạm phát tăng lên thông qua nhập khẩu, DN sản xuất hàng hoá giá thành cao hơn, buộc phải đẩy giá bán ra cao hơn. Khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém hơn năm 2022 thì nhu cầu nhập khẩu linh phụ kiện giảm đi. Tiêu dùng toàn cầu giảm thì nhập khẩu của họ giảm. Điều này khiến cho xuất khẩu kém, kéo tăng trưởng sản xuất trong nước xuống.

Doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều hỗ trợ để tăng cường sản xuất trong năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Gỡ nút thắt

PV: Vậy mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà Quốc hội đưa ra là 6,5% liệu có khả thi?

PGS Đinh Trọng Thịnh: Năm 2023 chúng ta thực hiện cải cách tiền lương, chúng ta đến hạn phải thay đổi giá một số mặt hàng chiến lược như điện, nước, giá các dịch vụ y tế, giáo dục… tất cả tạo ra áp lực lớn lạm phát. Trong khi thu nhập không tăng bao nhiêu mà chúng ta nhìn xung quanh cái gì cũng tăng giá. Về phía Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% là cẩn trọng và phù hợp và mang tính thực tiễn. Cá nhân của tôi dự báo tăng trưởng nền kinh tế còn cao hơn nếu như chúng ta thực hiện tốt một số nhiệm vụ như cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hỗ trợ cho DN. Việt Nam hoàn toàn có thể đạt từ 6,8- 7,5% nhưng đó là mình nhìn vào những nhân tố tích cực. Còn thực tế, nhiều biến số, yếu tố thay đổi theo thời gian.

Theo các vị, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ như thế nào và chúng ta cần lưu ý gì?

PGS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết chúng ta phải làm sao kết nối và có nguồn nguyên vật liệu phong phú, không phụ thuộc vào bất kỳ một nước nào. Những gì chúng ta khai thác được nội địa thì chúng ta nên khai thác. Các DN thực hiện số hoá và tiết kiệm chi phí đầu vào, đẩy mạnh hiệu quản sản xuất, đẩy mạnh nâng cao lực lượng lao động. Đặc biệt vấn đề cần nâng cao trình độ người lao động để thích ứng số hóa, làm sao phải đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên phát huy khai thác thị trường trong nước. Một thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân mở ra nhu cầu tiêu dùng lớn.

TS Trần Toàn Thắng: Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Với nhiều yếu tố tác động, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo 2 kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

Rút kinh nghiệm từ năm 2022 trong điều hành về giá xăng dầu cũng như cung về xăng dầu. Chúng tôi phân tích thấy rằng giá xăng dầu đóng góp khoảng trên 50% trong lạm phát của Việt Nam. Chúng ta cần phải tính đến những rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là rủi ro về cầu xuất khẩu có thể giảm xuống do thu nhập của người dân ở các thị trường bên ngoài giảm đi.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt. Trong năm 2023, cơ quan quản lý vẫn phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thu hút đầu tư, ổn định an sinh xã hội. Xét về tổng thể, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh. Do đó, giải quyết nút thắt thể chế cũng sẽ tạo đà tăng trưởng.

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, có nghĩa là thiếu đòn bẩy tài chính. Vậy, năm 2023, tình hình sẽ ra sao?

TS Nguyễn Minh Phong: Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đang đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).

Sự cảnh báo nóng gắn với các thách thức về triển vọng kinh tế thế giới và nội lực kinh tế cùng những rủi ro và bất cập trong quản lý thị trường, đòi hỏi chúng ta kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, phát triển và nâng cao năng lực thể chế, tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư...

Chúng ta cũng kỳ vọng đầu tư công sẽ dần được giải ngân rốt ráo hơn và đó vẫn là một trong những động lực tăng trưởng trong năm 2023. Quan điểm của quý vị về vấn đề này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2022 là năm đầu tư, giải ngân đầu tư công trong thang điểm 10 thì tôi chấm điểm nhiều là 6. Kỳ vọng năm 2023 tình hình có thể sáng sủa hơn, ngân sách Chính phủ cải thiện hơn thông qua xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo số liệu năm 2023, số vốn đầu tư công đưa ra cũng khá cao. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề là làm sao đưa đầu tư công vào đúng lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng. Tôi cho rằng, bên cạnh các hình thức đầu tư công truyền thống như xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể đầu tư công tới đây nên mở rộng sang các hình thức mới như hình thức đặt hàng DN, tập đoàn trong việc làm ra các sản phẩm thiết yếu cho đất nước.

Trân trọng cảm ơn quý vị!

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn vì vậy chúng ta phải chấp nhận tác động của kinh tế thế giới để chủ động có các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam. Việc Chính phủ đã trình Quốc hội mục tiêu năm 2023 về tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% đã phần nào phản ánh quan điểm thực tế này. Trong bối cảnh đó, thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam cần đảm bảo các mục tiêu giữ ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính tiền tệ, đảm bảo tính thanh khoản, giảm thiểu dòng vốn gián tiếp chảy ra khỏi nền kinh tế; giảm thiểu áp lực nhập khẩu lạm phát và lạm phát chi phí đẩy; đồng thời giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính tiền tệ thế giới và trong nước. Đặc biệt điều hành lãi suất và tỷ giá đảm bảo vốn tín dụng, tính thanh khoản, hạn chế dòng vốn gián tiếp chảy ra ngoài.

H.HƯƠNG-P.VÂN-L.HƯƠNG (thực hiện)