Những bài tình ca cho giai nhân
Đêm nay em tôi đẹp như mơ/ Bao nhiêu anh trai phải thẫn thờ/ Em như cô tiên từ cổ tích/Tìm về trong chiếc áo nhung tơ/ Em đẹp nhất đêm nay/ Hàng vạn lời khen ngàn con mắt say/ Em đẹp nhất đêm nay.
Đây là ca từ bài Đêm đẹp nhất của em nhạc sĩ Từ Huy viết riêng cho cuộc thi người đẹp các tỉnh phía Nam đầu thập niên 90. Đó là cuộc thi nằm trong khuôn khổ của Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức, bấy giờ vẫn theo mô hình tổ chức truyền thống, khác với format hiện giờ. Cũng như nhiều nhạc sĩ Sài Gòn cùng thời, Từ Huy chịu ảnh hưởng Trịnh Công Sơn ít nhiều. Mà họ Trịnh là bậc thầy về những tụng ca nhan sắc. Ta hãy nghe Trịnh Công Sơn nói: “Chỉ có lụa mới có thể vừa phơi bày, vừa che giấu những nét đẹp của phụ nữ phương Đông”. Bởi thế mà có những cô tiên cổ tích trong chiếc áo nhung tơ - khắc họa hình ảnh tuyệt đẹp của dáng thiếu nữ thướt tha trên sân khấu của cuộc thi Hoa hậu. Nhạc sĩ Quốc Bảo từng cảm thán: “Giai nhân nào đã khiến Từ Huy phải thốt lên Hàng vạn lời khen ngàn con mắt say như vậy?”.
Gót hồng của nhạc sĩ Bảo Phúc chắc chắn là ca khúc logo của những đêm Hoa hậu Việt Nam trong ký ức của rất nhiều người. Mặc dù có một vài ca sĩ thể hiện nhưng bài hát đã chốt chặt với giọng ca Lam Trường. Về sau, bản nhạc này luôn được cất lên vào thời điểm hồi hộp nhất và quan trọng nhất của những đêm chung kết Hoa hậu- phần công bố tên của tân Hoa hậu và những người đoạt giải cao năm đó. Được giới thiệu lần đầu trên sân khấu cuộc thi người đẹp các tỉnh phía Nam- HHVN 1992 nhưng tới năm 1998, Gót hồng mới thực sự bùng nổ thành một hiện tượng. Nhạc sĩ đã hoàn toàn nhập hồn vào cuộc thi thì mới có thể diễn tả được chuẩn xác cái không khí vừa nhộn nhịp vừa âu lo vừa ngỡ ngàng vừa cảm động của đêm thi nhan sắc bằng những nốt nhạc tài tình và những lời thơ không thể gợi hơn:
… Ngỡ ngàng thời gian như lắng đọng,
Và khắp nhân gian đang chìm trong mộng
Gót hồng nhẹ nhàng xoay theo điệu múa
Cùng dáng em cùng bước chân thần tiên...
Năm ấy, khi Lam Trường hát Kìa đêm nay, bao nhiêu gã si tình thành đá ngây dại vì dáng em, pháo hoa bùng lên rực rỡ trước dàn người đẹp. Tôi cũng may mắn có mặt ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TPHCM) lúc đó, hưởng thụ cảm xúc rực rỡ chạm nóc. Khán giả của đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 1998 như vỡ òa trong xúc cảm khi cái đẹp thăng hoa cùng với âm nhạc.
“Đó là giây phút tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên. Mọi thứ lúc ấy quá đẹp, từ cảm xúc tới ca từ. Giữa một rừng giai nhân, tôi thấy bay bổng” Lam Trường đã chia sẻ cảm giác của anh, ở thời điểm đó. Từ đó, Gót hồng trở thành ca khúc hit của anh. Suốt hơn 20 năm, khi biểu diễn ở bất cứ sân khấu nào ở trong hay ngoài nước, anh đều được yêu cầu hát bài này.
Trong đêm bán kết Hoa hậu Việt Nam 2020, Đan Trường, Lam Trường song ca liên khúc hit thập niên 1990, trong đó có bài Gót hồng. Tiết mục gợi hoài niệm về kỳ thi nhan sắc hơn 20 năm trước, khi bài hát vang lên trong các phần thi quan trọng. Nhiều khán giả của đêm đó đã lập tức chia sẻ trên mạng rằng, họ cảm thấy ký ức ùa về.
Dăm năm sau, Bảo Phúc đối mặt với thử thách viết tập 2 cho Gót hồng. Anh tâm sự với phóng viên Báo Tiền Phong: “Tôi đã tự làm mới mình để có những ý tưởng mới. Tôi cho rằng Hoa hậu phải là một hình tượng toàn vẹn, như một đóa hoa bất tử, không thể tàn phai, không thể héo úa”. Từ suy tưởng đó, nhạc sĩ đã viết Dáng hồng. Nhưng lần này anh không thật thành công. Cái bóng quá lớn của Gót hồng rất khó vượt qua, cho dù nhạc sĩ có ý thức vượt qua chính mình. Như tình yêu, là điều không thể cố gắng mà có. Và rồi, bạo bệnh khiến chàng “nhạc sĩ Hoa hậu” đã ra đi mãi mãi ở tuổi 51 (2009). Nếu còn sống, biết đâu anh lại có thêm những ca khúc Hoa hậu mới.
Bài tình cho giai nhân của nhạc sĩ Quốc Bảo được thoát thai từ những giấc mơ đầy ám ảnh của anh trước những vẻ đẹp thanh nữ. Ai bảo em là giai nhân/ Cho lòng anh đau khổ (ca từ Bài tình cho giai nhân). Cùng năm đó, Quốc Bảo viết Ca dao hồng, trong niềm hạnh phúc khi có đôi gót chân son đi vào đời mình: Chờ em đến dỗ em câu tình/ Cầm những ngón tay xinh/ Đời ta đấy có em ra vào/ Ngọt như khúc ca dao. Đó là năm 1996, vài năm trước khi nhạc sĩ thực sự muốn viết một bài hát dành cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2002, anh tâm sự trên tạp chí Người đẹp Việt Nam: “Tôi viết lời Việt dựa trên một giai điệu Hàn Quốc, đặt tựa là Đêm hoa. Đêm hội người đẹp với tôi, là “một đêm say ngàn tiên nữ bay. Những gót chân son bay lượn trên sân khấu tựa hồ những cánh sen hồng nở và rồi chẳng ai còn phân biệt được đâu là hoa sen và đâu là gót chân. Cả một rừng hoa, cả một rừng những bàn chân son tươi các thiếu nữ Việt”.
Là đêm có em về
bước chân hoa về
Ngập tràn giai nhân
là đêm thần tiên
Thần tiên múa cho đêm càng say
Còn nhan sắc hôm nay
Còn tiếng ca say
Giữ hoài đêm vui huy hoàng.
Nhiều mùa Hoa hậu đã đi qua. Hương sắc Việt giờ đã lan tỏa đến cả những vùng đất xa xôi, đã tự tin ghi dấu hai chữ Việt Nam trên bản đồ sắc đẹp thế giới. Với nhịp điệu của cuộc sống hôm nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng đã nhiều đổi khác. Trên sân khấu HHVN 2022, các cô gái mạnh mẽ trong tiết tấu Bạn đến từ đâu? Where are you from? Vẻ như những dặt dìu từng làm xôn xao dậy sóng mấy chục năm về trước không nhịp với tâm cảm của ngày hôm nay? Bằng chứng là đã lâu rồi không có bài hát nào viết riêng cho các cuộc thi Hoa hậu. Nhưng chắc chắn rằng, một khi đời còn giai nhân thì vẫn luôn cần và luôn có những Bài tình cho giai nhân.