Ngộ độc khí - cái chết thầm lặng do đốt than sưởi ấm
Đốt than, củi trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra khí cực độc CO2 và CO, người tiếp xúc có thể tổn thương não, ngưng tim, thậm chí tử vong.
Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vừa có bài viết trong chuyên mục Hướng dẫn cộng đồng về vấn đề “Ngộ độc khí - cái chết thầm lặng do đốt than sưởi ấm”.
Theo nhận định từ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Mỗi năm vào mùa lạnh, Việt Nam ghi nhận nhiều ca ngạt khí do đốt củi, than hoa, than tổ ong, dùng bếp gas... trong phòng kín. Gần đây là vụ việc hai vợ chồng ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa tử vong do đốt than sưởi ấm trong căn phòng đóng kín cửa, sáng 2/1. Hôm 21/12/2022, gia đình ba người ở Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh bị ngạt khí, nhập viện cấp cứu.
Miền Bắc từ ngày 15/1 đến nay tiếp tục chìm trong giá rét. Theo bảng nhiệt độ thực đo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay 17/1, nhiệt độ đo thực tại Mẫu Sơn là 0,9 độ C, tại Tam Đảo là 5 độ C, tại Sa Pa là 4 độ C. Thời tiết rét đậm rét hại như kể trên, người dân cần thực hiện nhiều biện pháp để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên cần lưu ý không dùng than để sưởi ấm trong phòng kín.
Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dẫn chia sẻ từ PGS.TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Hóa học, Trường Đai học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội: Trước đây ông bà thường đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm trong không gian thoáng hơn như nhà trần lợp mái, đốt ngoài trời. Hiện, nhà cửa đều xây dựng kiên cố, chưa kể mùa đông, các gia đình đều đóng chặt kín cửa, khiến oxy trong không khí hết rất nhanh. Lúc này, đốt than, củi trong không gian kín càng làm tiêu hao oxy, đồng thời sản sinh ra hai khí cực độc là CO2 và CO.
Trong đó, khí CO2 khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, lịm dần và tử vong. Thời gian gây ngộ độc rất nhanh, "chỉ sau vài phút, bệnh nhân bị ngạt thở, lịm dần rồi hôn mê mà không hay biết, không còn khả năng kháng cự".
Đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm còn sinh ra lượng lớn khí carbon monoxide (CO), một loại khí độc được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", không màu, không mùi, khiến cho cái chết đến nhanh hơn. Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có thể có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức. Với những người đang ngủ hoặc say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào.
Ngoài ra, khả năng kết hợp của khí CO với hemoglobin - một thành phần của hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào rất lớn, khoảng 200 lần, theo bác sĩ Lê Hoàn, Phó khoa Nội tiết Hô Hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Trong không gian kín, CO sẽ tranh chấp hết các hemoglobin, khiến cơ thể không còn hemoglobin để vận chuyển oxy dẫn đến thiếu hụt oxy để thở. Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương hô hấp hoặc hệ thần kinh và tử vong nếu không được phát hiện.
Sưởi ấm bằng than còn nguy hiểm hơn với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu, sức đề kháng kém. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm.
Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không đốt than củi sưởi ấm trong phòng kín. Hầu hết trường hợp ngạt khí khi ngủ không thể kêu cứu, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc. Mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu CO.
Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, nên đặt bếp ở nơi thông thoáng. Không đặt lò than trong phòng ngủ, nơi kín gió; không đốt qua đêm. Gia đình có thể dùng đèn sưởi, điều hòa hai chiều để tăng nhiệt độ trong phòng nhưng tránh có gió lùa.