Kinh tế tuần hoàn: Tại sao khó?
Giới chuyên gia nhận định, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tham gia tích cực vào tiến trình này.
Còn nhiều rào cản
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 96% tổng số DN. Khu vực kinh tế này cũng đang sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% vào giá trị gia tăng vào nền kinh tế quốc gia. Chính vì thế, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của cộng đồng DNNVV có vai trò rất quan trọng và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế tuần hoàn không chỉ "khắc phục" các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, mà đúng hơn, đó là một quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm duy trì và tái tạo vốn tự nhiên, thứ mà con người, cộng đồng và nền kinh tế phụ thuộc vào.
Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn cũng là một phương thức để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới. “Như vậy, kinh tế tuần hoàn không có nghĩa là hy sinh kinh tế để bảo vệ môi trường mà là mô hình hướng tới mục tiêu kép, vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế” – một chuyên gia kinh tế cho hay và nhấn mạnh thêm: Kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực sẽ giúp ích cho Việt Nam chuyển đổi kinh tế - xã hội trong quá trình thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững.
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội kinh tế trị giá 4,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm. Do đó, cộng đồng DN Việt Nam, trong đó, đặc biệt là khu vực DNNVV cần góc nhìn mới để tham gia tích cực vào tiến trình này.
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai tới nay, số DNNVV quan tâm đến loại hình này vẫn chưa nhiều. Trao đổi với báo giới, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) cho rằng, DNNVV ở Việt Nam tham gia vào kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Cũng có nhiều nguyên nhân và lý do cả về khách quan và chủ quan.
Theo đó, có thể do những vướng mắc liên quan tới nguồn lực, nhận thức, năng lực và tầm nhìn về lợi ích của kinh tế tuần hoàn. Nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất và DN sản xuất - kinh doanh vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Bởi vì hiệu quả từ kinh tế tuần hoàn đến chậm hơn, không tác động nhanh và mạnh như mong đợi. Cũng có nhiều DN không có khả năng chờ đợi; cũng như là họ có thể đang cần kinh phí để triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn dẫn đến khó khăn do phải xoay xở dòng vốn.
Nỗ lực hướng tới kinh tế tuần hoàn
Nói thêm về nguyên nhân, PGS. TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiêp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp, nên gặp những khó khăn nhất định khi chuyển sang kinh tế tuần hoàn. Trong đó, thể chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy mô hình này phát triển, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của nhà nước, DN còn hạn chế, ít DN đủ năng lực công nghệ và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng.
“Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, điển hình là hai thành phố lớn nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn đang loay hoay trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn xây dựng các nhà máy chế biến rác thành năng lượng điện và phân bón” – ông Mại thông tin.
Giới chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng DN, nhất là DNNVV Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, cần nhiều yếu tố cả từ tự thân bên trong cũng như bên ngoài DN; từ các cơ chế chính sách của Nhà nước tới việc triển khai hiệu quả của các địa phương. Ngoài ra, song song với việc phát triển kinh tế số hiện nay thì nền tảng kinh tế tuần hoàn kết hợp cùng kinh tế số cộng với yếu tố đổi mới sáng tạo cũng sẽ là động lực lớn để DN thay đổi.
“Rất nhiều doanh nghiệp đang vận hành theo cách truyền thống, với tầm nhìn ngắn hạn nên vẫn chưa nhận thấy những thách thức quá lớn của việc không triển khai kinh tế tuần hoàn. Cũng chưa có những áp lực để tạo sức ép buộc họ phải chuyển đổi hoặc có động lực để chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn...”- PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED).