Tuyển sinh đại học năm 2023: Thêm ngành hot, tăng chỉ tiêu
Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 30 trường đại học (ĐH) công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Nhiều điểm mới
Trường ĐH Ngoại thương cho biết, mùa tuyển sinh năm nay sẽ giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh ĐH chính quy như năm 2022. Điểm khác biệt đó là nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh một số ngành mới là Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội. Tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023 của Trường ĐH Ngoại thương là 4.100 sinh viên cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết các ngành mới, dự kiến đào tạo từ năm nay gồm Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học. Ngoài mở thêm ngành, trường cũng tăng chỉ tiêu từ 7.120 (năm 2022) lên 7.500 trong mùa tuyển sinh năm nay. Dự kiến 6 phương thức tuyển sinh được giữ ổn định như năm 2022.
Là trường đầu tiên của khối ngành Sức khỏe công bố phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2023, Trường ĐH Y tế công cộng cho biết sẽ tuyển sinh 7 ngành, trong đó Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển nhiều nhất - 215 chỉ tiêu, Y tế công cộng 190 chỉ tiêu và Kỹ thuật phục hồi chức năng 130 chỉ tiêu. 4 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Phương thức dùng điểm đánh giá năng lực chỉ dùng để tuyển ngành Khoa học dữ liệu, 3 phương thức còn lại áp dụng với tất cả 7 ngành. Dự kiến đầu tháng 4/2023, trường sẽ công bố đề án tuyển sinh.
Việc hơn 30 trường ĐH đã chủ động thông báo các phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu cho từng ngành… năm nay sớm hơn hẳn so với năm 2022 được đại diện các trường lý giải là do không cần chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH 2023 vì năm nay vẫn giữ ổn định quy chế cũ.
Lưu ý điểm ưu tiên
Điểm khác biệt thí sinh dự thi, xét tuyển ĐH năm 2023 cần chú ý đó là từ năm nay, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ không còn được cộng tối đa, mà được xác định theo công thức giảm tuyến tính. Việc thay đổi trong tính điểm ưu tiên này, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Theo thống kê, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Với thay đổi này, khi thí sinh dự định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cần cân nhắc lượng sức mình, nhất là khi xét tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao sự chênh lệch 0,5 điểm cũng đã phân rõ việc đỗ, trượt.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng kỳ vọng bức tranh tuyển sinh ĐH năm 2023 sẽ có những thay đổi lớn, trong đó hạn chế được các ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm, thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn chưa đỗ nguyện vọng yêu thích.
Bên cạnh đó, cùng với dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có nhiều thay đổi đang được lấy ý kiến và sẽ áp dụng chính thức từ năm nay, thí sinh cần chú ý để cập nhật những điểm mới. Trong đó, đặc biệt là xu hướng nở rộ các kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH, giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dẫu vậy, theo kinh nghiệm của các sĩ tử mùa trước, những kỳ thi đánh giá năng lực có ma trận, cấu trúc hoàn toàn khác với những bài kiểm tra, bài thi tại phổ thông hiện nay nên thí sinh cần có sự chuẩn bị, ôn tập hợp lý.
Em Trần Như Mai Anh - thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực, em ưu tiên giải đề trước rồi mới ôn tập lại kiến thức. Bởi như vậy sẽ biết được ưu và khuyết điểm của bản thân và không mất quá nhiều thời gian cho những phần nội dung đã nắm vững. Bên cạnh đó, vẫn không thể sao nhãng việc học trên lớp, tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT để có được kết quả tốt nhất, thêm cơ hội vào trường, ngành mình mong muốn.