Bánh thuẫn, dưa món - những món ăn dân dã đượm vị Tết
Như nhiều tỉnh ở miền Trung, ngoài bánh chưng, bánh tét… người dân Quảng Trị còn làm, mua sắm nhiều món ăn mang đậm vị Tết và có thể kể đến như bánh thuẫn, dưa món.
Thơm ngậy bánh thuẫn
Những ngày này, hàng hóa ở các quầy tạp hóa tại Quảng Trị nhộn nhịp hơn thường lệ vì người dân đến đây mua sắm hàng phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán. “Cơ bản những mặt hàng cũng như thường ngày nhưng số lượng nhiều hơn. Đáng kể như bánh thuẫn. Dường như dịp này, ở đây nhà nào cũng mua bánh này về phục vụ Tết hết”, một chủ tạp hóa vừa bán hàng cho khách vừa nói với phóng viên.
Hỏi thêm chủ tạp hóa này được biết, trước đây, dường như nhà nào ở các vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng làm bánh thuẫn để mời họ hàng, khách khứa đến chơi, chúc Tết. Hiện nay thì khác, đa phần người dân đều chọn cách đặt hàng và mua từ một số hộ còn làm món bánh truyền thống này.
Qua hỏi thăm, chúng tôi tìm đến nhà bà Đào Thị Tiếp (65 tuổi, trú thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) - một trong số những hộ gia đình còn làm món bánh đượm vị Tết này.
Theo lời bà Tiếp kể lại, khoảng từ tháng 9 hằng năm, người dân sẽ bắt đầu xay củ bình tinh lọc lấy tinh bột, đem phơi khô và cất để cuối năm làm bánh thuẫn.
Bà cũng cho biết, bánh thuẫn làm tương đối đơn giản. Sau khi có bột bình tinh rồi, người ta sẽ pha chế với đường, trứng, nước nghệ, nước gừng… theo tỷ lệ 3 lon (loại dùng để đong gạo) bột bình tinh sẽ pha cùng 1 lon trứng (gà hoặc vịt) và 1,5 lon đường. Cùng với đó, người ta xay nghệ, gừng tươi lọc lấy một lượng nước nhất định để khuấy bột.
“Bột khuấy xong rồi thì mình đem đổ vào từng khuôn. Khuôn này làm bằng gang, mỗi khuôn làm được 12 bánh. Dưới khuôn có một lớp than nóng và trên vung phủ thêm 1 lớp than khác nữa. Chừng 3 - 5 phút là có thể lấy bánh trong này ra được rồi”, ba Tiếp chia sẻ.
Bánh lấy ra khỏi khuôn đã có hình thù y đúc như thành phẩm. Tuy nhiên, đây chưa phải là công đoạn cuối cùng. Vẫn theo lời bà Tiếp, sau khi đổ được một lượng bánh nhất định rồi, người ta sẽ đem hong trên bếp than để bánh thơm bùi hơn.
“Nhìn chung làm bánh này tương đối dễ, nhưng để được một mẻ bánh theo công thức 3 lon bột, 1 lon trứng và 1,5 lon đường thì cũng phải ngồi ì mất 1 tiếng đồng hồ. Có lẽ thế mà giờ đây ngày càng ít người tự làm, thay vào đó, người ta đặt mua về ăn là chủ yếu” - người phụ nữ 65 tuổi cho hay.
Cũng trong buổi trò chuyện, chúng tôi được gặp bà Lê Thị Vọng (87 tuổi - mẹ chồng bà Tiếp). Dù còn rất minh mẫn, nhưng cụ bà 87 tuổi này không biết bánh thuẫn có từ khi nào. Bà chỉ biết rằng, trước đây bà học được từ cha mẹ, nay lại truyền cho con cháu làm bánh thuẫn để giữ hương vị quê hương.
Bà Vọng kể: “Xưa thì chỉ có Tết mới làm bánh này. Nay khác rồi, họ làm quanh năm. Xưa bánh thuẫn đãi khách thì quý lắm. Nay ăn uống đủ đầy bày biện ra thì họ cũng chỉ ăn cho vui. Dẫu vậy, bánh này vẫn có cái hay, ăn nó mãi mà không ngán cháu ơi”.
Dân dã dưa món
Cay cay, chua ngọt và giòn giòn… là những tính từ có thể dùng để miêu tả về hương vị của dưa món - một món ăn dân dã tại vùng quê Quảng Trị cũng như một số tỉnh miền trung khác.
Theo đó, vào độ tháng Chạp về, khi cây kiệu đã đủ già người dân lại thu hoạch về, rửa sạch để ráo. Một số người vẫn giữ thói quen cũ là đem ngâm loại củ ngày qua đêm với nước tro bếp, rửa sạch, cắt rễ, để ráo nước. Cùng với đó, những loại củ quả như: cà rốt, đu đủ, hành tím, ớt… cũng được rửa sạch, phơi ráo nước để chế biến thành món dưa món dân dã nhưng đượm hương vị Tết.
Ông Lê Kham (54 tuổi, trú tại xã Hải Trường, Hải Lăng, Quảng Trị) chia sẻ, theo thói quen, người dân tại đây thường ăn kèm dưa món với nhiều món ăn khác như bánh chưng, bánh tét… Việc ăn kèm với dưa món khiến các món ăn khác giảm bớt vị béo ngậy. Không những vậy, với đủ loại màu sắc, bày biện cùng dưa món khiến các món ăn khác bắt mắt, hấp dẫn người ăn hơn.
Quay trở lại công thức làm dưa món, bà Đào Thị Tiếp chia sẻ, nếu các loại củ quả phơi không đủ nắng thì khi muối sẽ không được giòn, dễ bị nhũn hoặc nhanh bị hư hỏng. Ngược lại, nếu phơi “quá nắng” sẽ khiến các loại củ, quả bị héo, khi ăn sẽ bị dai và gia vị không thấm đều.
Những năm thời tiết gần Tết ít nắng, để có được hủ dưa món ngon, người ta thường đem các loại củ, quả đó hong trên bếp than cho đủ độ héo rồi mới đem vào muối.
Nhiều người dân ở Quảng Trị cho biết, sau khi chuẩn bị đầy đủ, họ sẽ dùng nước mắm ngon nấu cùng đường phèn theo tỷ lệ phù hợp với nguyên liệu rồi đun trên bếp, khuấy đều tay cho đến khi ngã màu vàng hổ phách thì vớt hết bọt rồi để nguội. Tiếp đến, xếp nguyên liệu sau khi phơi vào lọ thủy tinh, đổ nước mắm ngập mặt dưa rồi đậy nắp, để nơi thoáng mát. Sau chừng 3 ngày khi đu đủ, củ kiệu ươm màu vàng nhạt, cà rốt ửng đỏ là đã có một hủ dưa chín tới, giòn giòn.
“Bánh thuẫn, dưa món, bánh chưng, bánh tét… làm tốn thời gian nhưng không có thì cứ thấy Tết như bị thiếu thiếu cháu à”, bà Tiếp nói.