Làng nghề chuyên đúc ra những bảo vật quốc gia
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km theo hướng Tây nam, làng Đúc thuộc địa bàn của phường Đúc và một phần của phường Thủy Xuân (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), được nhiều người biết đến, bởi nơi đây chuyên đúc ra những bảo vật quốc gia.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Sính (79 tuổi), là đời thứ 11 theo nghề đúc đồng của dòng họ Nguyễn cho biết, để làm nên thương hiệu như ngày hôm nay, nghề đúc tại đây đã trải qua không ít thăng trầm gắn liền với lịch sử vùng đất Cố đô Huế từ thời chúa Nguyễn vào mở cõi.
Ông Sính cho biết, ngày xưa khi xây dựng Huế thành kinh đô, các chúa Nguyễn đã trưng tập các thợ khéo tay trên cả nước về làm những công trình, vật dụng phục vụ nhu cầu của cung đình. Trong số đó có những thợ thuyền làm nghề đúc.
Theo gia phả, tổ tiên của ông Nguyễn Văn Sính ở làng Đông Xá, Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh ngày nay) cũng là một trong những người thợ đúc đồng khéo tay đã theo chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Đến năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan quy tụ các thợ giỏi về một nơi. Phường Đúc được hình thành kể từ đó.
Phường Đúc ban đầu chỉ có 5 xóm thợ nằm ven bờ nam sông Hương, nhưng có tiếng hơn cả có xóm Kinh Nhơn và Bổn Bộ. Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển với những biến cố của kinh thành Huế và thăng trầm của lịch sử, nghề đúc đồng tại đây đã tạo nên được tiếng vang và được các thế hệ truyền đời giữ lửa cho đến nay.
Nhiều sản phẩm của người thợ đúc đồng phường Đúc xưa đã trở thành kiệt tác di sản văn hóa vật thể kinh thành Huế như: Vạc đồng ở Đại Nội (1659-1684); Chuông chùa Thiên Mụ (1710); Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn (1804); Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835); Chuông chùa Diệu Đế (1846) và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ trong cung ra ngoài nội ở Huế. Nhiều tác phẩm trong số này đã được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính cho hay, dù nhiều sản phẩm bằng đồng tại kinh thành Huế ngày trước hội tụ tay nghề của thợ đúc đồng trong cả nước nhưng chủ yếu vẫn dựa vào kỹ thuật, tinh hoa của các nghệ nhân từ phường Đúc.
“Sản phẩm của phường Đúc làm ra khi nhìn qua có thể phân biệt ngay so với ở nơi khác. Các hoa văn tinh xảo là những chi tiết được đúc khi còn nóng hổi. Ngày xưa không biết các nghệ nhân pha chế tỷ lệ đồng, chì như thế nào mà các bảo vật quốc gia không bị gỉ sét theo thời gian, điều này đòi hỏi một kỹ thuật rất cao. Bây giờ các hậu duệ không chỉ tiếp thu kinh nghiệm của cha ông mà còn đi học thêm ở trường lớp để kết hợp, nâng cao tay nghề”, ông Sính tâm sự.
Ngoài các sản phẩm truyền thống đặc trưng, phường Đúc còn có các sản phẩm lưu niệm tinh xảo phục vụ nhu cầu của những người yêu văn hóa, khách du lịch ở trong và ngoài nước.
Nhiều du khách khi đến thăm Đại Nội Huế, tận mắt chứng kiến những sản phẩm như Cửu Vị Thần Công, Cửu Đỉnh,.. đều không khỏi ngạc nhiên. Nhiều người không tin đó là sản phẩm được làm bằng tay của những người thợ phường Đúc. Thế nhưng khi được tham quan, được “mục sở thị” quá trình đúc đồng ở các lò đúc mới thực sự thán phục tài năng, trí tuệ của những người thợ đúc đồng.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Kỹ sư đúc đồng, một hậu duệ nghề đúc tại phường Đúc cho biết, mỗi công đoạn trong quá trình đúc đồng đều quan trọng như nhau. Tùy theo sản phẩm làm ra lớn hay nhỏ, họa tiết cầu kỳ như thế nào mà thời gian đúc cũng dài ngắn khác nhau. Có sản phẩm nhiều thợ cùng làm nhưng phải mất vài tháng mới hoàn thành. Công việc này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà cần cả sự chịu khó của người làm thợ.
Ngoài các sản phẩm truyền thống đặc trưng như lư đồng, bát hương, tam sự, ngũ sự, chuông, cồng, chiêng…, Phường Đúc cũng cho ra đời nhiều sản phẩm lưu niệm tinh xảo bằng đồng phục vụ người yêu văn hóa trưng bày và khách du lịch như tượng danh nhân, trống đồng, bình hoa, các biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Huế và đất nước.
Nhiều sản phẩm được các nghệ nhân ở đây hoàn thành vang danh khắp nước như tượng Trần Hưng Đạo cao 10,2 m, nặng 21,6 tấn đặt tại Công viên Vị Hoàng (TP Nam Định); tượng Phật Như Lai cao 4,3 m đặt tại chùa Kim Thành (Gia Lai); tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Kim Liên (Nghệ An) và TP Huế…
Đặc biệt phải kể đến là Đại hồng chung cao 5,5 m, đường kính 3,7 m, nặng hơn 30 tấn. Đây được xem là quả chuông lớn nhất Đông Nam Á. Với danh tiếng nổi khắp vùng, hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức trên mọi miền đất nước muốn đúc chuông lớn, tượng Phật thường tìm đến Phường Đúc để đặt hàng.
Những năm qua, các sản phẩm đồng của phường Đúc luôn có mặt trong những kỳ Festival tôn vinh nghề truyền thống Huế. Với bề dày lịch sử phát triển đi cùng với những tác phẩm là kiệt tác của nghề đúc đồng Việt Nam, phường Đúc xứng danh là một làng nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển.