'Quê hương' - bài thơ để đời của Giang Nam

Theo VnExpress 25/01/2023 13:00

Nhà thơ Giang Nam qua đời ngày 23/1, thọ 94 tuổi, tại Khánh Hòa. Sinh thời, ông để lại gia tài đồ sộ gồm hơn 10 tập thơ và trường ca, sáu tập truyện ngắn và ký nhưng khi nhắc đến tên tuổi ông, độc giả lập tức nhớ đến bài "Quê hương".

Nguyên mẫu "cô gái nhà bên" trong thơ là vợ ông, bà Phan Thị Triều, quê ở Nha Trang. Hai ông bà cùng hoạt động cách mạng, gặp nhau tại Đá Bàn - căn cứ địa của Khánh Hòa những năm kháng chiến. Năm 1959, sau bốn năm ông bà cùng hoạt động ngầm ở Biên Hòa, nhà thơ về lại Khánh Hòa. Một đêm, địch ập vào bắt bà Triều và con gái mới sinh giải đi.

Một buổi tối năm 1960, Giang Nam được cấp trên gọi và thông báo tin vợ và con gái ông bị địch giết hại trong nhà tù Phú Lợi, Sài Gòn. Ngay trong đêm ấy, trong căn cứ bí mật dưới chân núi Hòn Du, phía tây thành phố Nha Trang, ông trút hết nỗi niềm vào những câu thơ: "Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi".

Tưởng rằng người thân đã bị địch giết hại nhưng ba năm sau, vợ và con gái Giang Nam được thả về do không tìm ra căn cứ kết tội. Sau này, bài thơ đoạt giải Nhì giải thưởng thơ năm 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ, trở thành dấu mốc trong đời thơ của Giang Nam cũng là dấu mốc lịch sử của gia đình.

Nhà thơ Đỗ Anh Vũ cho biết tác phẩm không nằm trong sách giáo khoa của thế hệ 8x như anh, nhưng được các thầy cô giáo giới thiệu khi học chùm thơ cảm hứng về quê hương. "Tôi đọc Quê hương trong cuốn Thơ ca miền Nam, xuất bản năm 1972, vẫn lưu giữ đến giờ. Bài thơ gợi nhớ ký ức gắn với vùng nông thôn, kỷ niệm thuở chăn trâu bắt bướm, những rung động đầu đời với ngôn ngữ dung dị, dễ thương, có sức sống lâu bền, tầm phủ sóng sâu rộng", Anh Vũ nói. Nhiều thế hệ vì thế thuộc như in những câu mở đầu:

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

"Ai bảo chăn trâu là khổ?"

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được...

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích...

Nhà thơ Anh Vũ thích cách nhà thơ sử dụng một số dấu ngoặc đơn trong khổ hai và ba bài thơ. Theo anh, dấu ngoặc dùng để giải mã thêm cảm xúc về những hồi ức trong sáng của tác giả.

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Từ câu chuyện riêng tư, nhà thơ đã đề cập đến câu chuyện chung của dân tộc trong phần sau, khiến người đọc xúc động mạnh mẽ khi yếu tố "bi" nằm trong yếu tố "hùng".

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi...

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi

Nhà thơ Anh Ngọc nhớ năm 1960, khi đất nước vẫn trong thời kỳ bị chia cắt sau Hiệp định Genève, tác phẩm vượt vĩ tuyến trở ra Bắc, được người đọc và giới phê bình hưởng ứng. Theo ông, tác phẩm là "một bản tình ca thời chiến" nằm chung mạch cảm xúc với bài Núi đôi của Vũ Cao, cùng kể câu chuyện tình giữa anh bộ đội và cô du kích, bị chia cắt bởi sinh tử, khói lửa.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định nhà thơ đã nâng tầm định nghĩa về tình yêu quê hương: "Quê hương không chỉ là khung cảnh thanh bình, là tuổi thơ đẹp đẽ mà là máu thịt của bao thế hệ đã ngã xuống để gìn giữ hòa bình. Truyền đạt tư tưởng lớn nhưng câu chuyện trong thơ ông dung dị, giàu cảm xúc, với lối viết tự nhiên đi vào lòng người", ông Nguyên nói.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng vì những thay đổi của thời đại, Quê hương không còn trong sách giáo khoa chương trình phổ thông, nhưng sức sống, vẻ đẹp của bài thơ vẫn nằm trong tâm tưởng nhiều thế hệ độc giả.

Từ Pháp, nghe tin nhà thơ Giang Nam qua đời, độc giả Phạm Ngọc Hữu cảm tác:

"Thuở còn thơ ngày hai buổi tới trường

Bài thơ anh thuộc từ thời cắp sách

Mà giữa Paris nghe tiếng thơ da diết

Sao bỗng thấy bồi hồi như gặp lại người thân".

Theo VnExpress