Công binh Việt Nam cứu kéo xe gặp nạn của Liên Hợp Quốc
Khi xe của Liên Hợp Quốc bị sa lầy, lật bánh, dù ở địa hình hiểm trở, nguy cơ xung đột vũ trang, Công binh Việt Nam lập tức đến cứu kéo.
Đội Công binh số 1 của Việt Nam được triển khai đến Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan) làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ đầu tháng 5/2022. Một trong những nhiệm vụ mà Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc (UNISFA) giao cho Đội là đảm bảo giao thông phân khu bắc, dài khoảng 50 km. Đây là tuyến đường huyết mạch, thông thương từ Bắc xuống Nam qua Chợ đầu mối Amiet.
Tuy nhiên, 95% đường ở Abyei là đất, thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài 5 tháng cuối năm khiến hệ thống giao thông tê liệt. Đội Công binh tiền nhiệm làm việc không hiệu quả nên nhiều tuyến đường xuống cấp trầm trọng, có tuyến trở thành con đường chết, không thể hoạt động trong mùa mưa. Nhiều năm qua, việc xe mắc kẹt, sa lầy đã trở thành nỗi ám ảnh của nhân viên Liên Hợp Quốc và người dân. Nhiệm vụ của Đội Công binh Việt Nam vì vậy càng trở nên nặng nề.
Ngay khi đến Phái bộ, Công binh Việt Nam thành lập hai đội Cứu hộ đường bộ tuyến 2 (là tuyến Cứu hộ đường bộ cao nhất của Phái bộ) để hỗ trợ phương tiện. Cùng với đó, ba tổ cơ động cũng được thành lập, thường xuyên túc trực trên đường, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố sau mỗi trận mưa.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tú, Đội phó Đội Công binh số 1, cho biết để hoàn thành nhiệm vụ cứu kéo xe cần ba yếu tố. Thứ nhất, phải có các loại ôtô gầm cao, 3 cầu, động cơ khỏe để vượt đường bùn đất, lầy lội. Thứ hai, sĩ quan lái xe phải dày dặn kinh nghiệm, có khả năng đánh giá, phán đoán địa hình. Cuối cùng, đội hình cứu kéo luôn phải có một đội bảo vệ có vũ trang để đề phòng bất trắc.
Khi tiếp cận hiện trường, đội phải khảo sát tình hình, xây dựng phương án, sử dụng trang bị cần thiết để kéo xe. Nếu địa chất yếu, quân nhân sẽ sử dụng thanh gỗ lớn gia cố nền đất. Việc kéo xe phải tính toán để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, hỏng hóc phương tiện. Nếu xe không thể tự di chuyển, Đội sẽ dùng xe cứu hộ chuyên dụng để đưa về doanh trại.
Đội hình cứu kéo tiêu chuẩn gồm 15 người, phương tiện là hai xe tải 15 tấn, một xe công trình xa, một xe cứu hộ chuyên dụng và một xe bọc thép của lực lượng bảo vệ. Ngoài ra, Đội còn chuẩn bị cáp kéo, gỗ chèn và lương thực ăn trong 7-10 ngày.
Theo thiếu tá Tú, xe công trình xa là phương tiện đặc chủng do Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự cải hoán và được đưa từ Việt Nam sang. Trên thùng xe có thể chứa nhiều thiết bị như cần cẩu loại nhẹ, máy cắt, máy cưa, máy tiện, máy phát điện... Tất cả vật dụng được chuẩn bị bài bản, đảm bảo cơ động trong mọi tình huống cấp bách.
Nếu không có lực lượng cứu kéo của Đội công binh, nhiều trường hợp người, phương tiện của các đơn vị thuộc Phái bộ UNISFA và người dân phải ăn ngủ ngoài rừng, không có lương thực. "Nguy hiểm hơn, họ có thể bị tấn công, bị cướp. Thực tế, có trường hợp đã bị cướp xe và đe dọa đến tính mạng", anh Tú nói.
Ở Abyei, khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn. Khu vực cứu kéo địa hình xấu, hiểm trở, nguy cơ xung đột vũ trang lớn. Nhiều đoạn đường lầy lội, xe của Liên Hợp Quốc bị lún sâu hết cả bánh xe, bao quanh toàn bùn đất đặc quánh. Xử lý những trường hợp này rất phức tạp nên Đội Công binh luôn phải chạy đua với thời gian vì nếu để qua đêm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tấn công, cướp bóc. Nhiều chuyến cứu kéo, bộ đội chỉ ăn lương khô, mì gói để tiết kiệm thời gian.
Trong số hàng trăm lần thực hiện nhiệm vụ, thiếu tá Tú nói vất vả nhất là lần cứu kéo đoàn 5 xe của lực lượng Ghana vào tháng 8/2022. Có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát an ninh khu vực phía Nam của Phái bộ UNISFA, hàng ngày, đoàn Ghana phải tổ chức các chuyến tuần tra trục đường quanh Phái bộ. Hôm gặp nạn trời mưa lớn, đường trơn nên chiếc xe chở quân đi làm nhiệm vụ bị sa lầy và lật nghiêng, nằm bên vệ đường, không thể di chuyển.
Ban đầu, đơn vị này đã điều 4 xe khác đến hỗ trợ nhưng cả bốn xe tiếp tục gặp nạn ở các vị trí khác nhau. Sau khi nhận tin báo lúc 6h sáng, Đội Công binh lập tức triển khai đội hình lên đường. Khi đến nơi, thành viên đoàn Ghana đều đã kiệt sức.
"Khi nhìn thấy lấp ló ánh đèn pha xe và lá cờ đỏ sao vàng trên xe Đội Công binh, đơn vị Ghana lập tức đứng dậy vỗ tay, hô to Việt Nam, Việt Nam đây rồi", anh Tú kể, cho biết, sau khi đánh giá tình hình, Đội sử dụng cáp kéo, đấu vào trục của xe và kéo các xe lên. Sau 12 giờ làm việc liên tục, đội đã hoàn thành cứu kéo cho cả 5 chiếc xe, trở về căn cứ lúc nửa đêm.
Trung tá Nguyễn Quang Tuyển, Chính trị viên Đội Công binh số 1 cho biết, riêng tháng đầu tiên triển khai đến UNISFA, Đội đã thực hiện 8 đợt cứu hộ với hơn 30 xe, trong đó có cả xe Liên Hợp Quốc và người dân bản địa. "Khi thực hiện nhiệm vụ, đi đến đâu Đội cũng được vẫy chào, người dân hô to Hello Việt Nam với ánh mắt, nụ cười thân thiện, biết ơn", trung tá Tuyển nói.
Bên cạnh hoạt động cứu kéo, để đảm bảo giao thông, Phân đội Công binh Cầu đường đã đào đắp, bù lấp, san, gạt, lu nền với tổng chiều dài gần 10 km, khối lượng đất đá bù lấp, nâng cốt nền đường hơn 1.000 m3. Đội cũng lắp đặt 7 cống qua đường (mỗi cống dài 10 m) khơi thông trên 12 km mương thoát nước. Đến nay cơ bản những đoạn đường xuống cấp lầy lội, sạt lở đã được sửa chữa, khắc phục bảo đảm giao thông thông suốt.
Tháng 5/2022, Việt Nam lần đầu tiên cử Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNISFA. Đội Công binh số 1 với biên chế 184 người có nhiệm vụ khảo sát, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường vận tải chính, vận tải dự phòng; sửa chữa khôi phục đường băng dã chiến; chuẩn bị và bảo dưỡng các tuyến đường kết nối căn cứ, xây dựng bãi đỗ trực thăng, kiểm tra, khắc phục sự cố giao thông...
UNISFA (Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc tại khu vực Abyei) được thành lập năm 2011 theo Nghị quyết 1990 của Hội đồng Bảo an với nhiệm vụ bảo vệ thường dân và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Abyei, được bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ Cơ chế Hỗn hợp về Kiểm chứng và Giám sát biên giới chung (JBVMM) tại Abyei theo Nghị quyết 2024 ngày 14/12/2011.