Giám sát hoạt động trông giữ xe, giá cả đầu năm

H.H 30/01/2023 07:00

Đầu năm, hoạt động trông giữ xe máy, xe ô tô thường “mạnh ai nấy làm”, giá cả bị đội lên cao. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính yêu cầu giám sát chặt giá dịch vụ vận tải, trông giữ xe sau Tết, đồng thời giám sát chặt việc bán hàng theo đúng giá niêm yết.

Hoạt động trông giữ xe đầu năm thường bị đẩy giá. Ảnh:DT.

Bộ Tài chính cho biết, sau Tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng.

Do đó, để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí, nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô...

Ngày 29/1, khảo sát tại các chợ khu vực Hà Nội cho thấy, giá cả các mặt hàng có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại chợ Thành Công, su hào có giá 9.000 đồng/củ; cải bắp 15.000 đồng/kg; súp lơ 20.000 đồng/cái, giảm mạnh so với ngày trước đó. Thịt lợn cũng giảm giá đáng kể, giá thịt ba chỉ, sườn thăn chỉ còn 160.000 đồng/kg, nạc thăn, nạc mông 150.000 đồng/kg; thịt bò 280.000 đồng/kg.

Tại chợ Ngọc Thuỵ (Long Biên) giá một số mặt hàng tươi sống, rau xanh ngày 29/1 (tức ngày 8 Tết) cũng không quá đắt so với ngày thường. Chẳng hạn nấm kim châm 15.000 đồng/túi, ngô ngọt từ 15000 đồng/cái, dưa chuột 18.000 đồng/kg...

Nhiều tiểu thương cho biết, từ mùng 5 Tết đến nay, các chợ đã nhộn nhịp người bán người mua. Hoạt động mua bán sôi động đã trở lại bình thường. Giá cả hàng hóa cũng đã hạ nhiệt.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường hàng hóa sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Trước nhu cầu du xuân, đi lễ của người dân tăng mạnh, nên tại khu vực xung quanh các đền chùa, nhiều điểm trông giữ xe tự phát cũng mọc lên như nấm, đua nhau “chặt chém” khách. Giá trông giữ xe máy dao động từ 10.000-30.000 đồng/xe, ô tô từ 50.000-100.000 đồng/xe.

Anh Hoàng Thế Cường (Mỹ Đình – Hà Nội) cho hay, những ngày đầu xuân, đi lễ có chỗ gửi được xe ô tô là quá may, giá gần như cố định là 50.000 đồng/ xe. Còn với xe máy có giá 10.000 đồng/ xe.

Trong khi đó theo Quyết định số 44 ngày 15/12/2017 của UBND thành phố Hà Nội, giá dịch vụ trông giữ xe máy tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa vào ban ngày là 3.000 đồng/lượt, ban đêm là 5.000 đồng/lượt... Với xe ô tô dưới 9 ghế ngồi, theo từng lượt tại các tuyến đường, phố thuộc các quận nằm trong đường vành đai 1 và trên vành đai 1 (trừ quận Hoàn Kiếm là 30.000 đồng) là 25.000 đồng/lượt, tối đa 60 phút.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô những ngày Tết, sau Tết phổ biến mức chung là 10.000 – 20.000 đồng/xe máy, 50.000 – 100.000 đồng/xe ô tô.

Chia sẻ với báo chí, Trung tá Vũ Thế Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, tình trạng người dân tự ý trông giữ phương tiện trái phép trong những ngày Tết diễn ra phức tạp. Do lượng người dân đổ về trung tâm quận Hoàn Kiếm du xuân đón Tết đông, dẫn đến nhu cầu gửi xe tăng mạnh.

Một số tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ… thuộc địa bàn các phường Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, người dân khi thấy cơ hội kiếm tiền từ việc trông giữ xe đã nắm bắt ngay, còn du khách vì không có bãi gửi xe đành chấp nhận trả tiền.

H.H