Kỳ vọng thị trường chứng khoán hồi phục
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã mở đầu năm Quý Mão với phiên giao dịch vào ngày mồng 6 tháng Giêng (tức ngày 27/1) đầy tích cực. Nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới thị trường chứng khoán sẽ hồi phục. Với góc nhìn trung - dài hạn, cơ hội trên thị trường chứng khoán là khá nhiều.
Đầu xuôi đuôi lọt
Phiên giao dịch ngày 30/1, thị trường chứng khoán (TTCK) mang lại nhiều cảm xúc cho những nhà đầu tư nắm giữ mã cổ phiếu liên quan đến xây dựng, đầu tư công, khi các mã C4G, FCN, LCG… tăng. Trong khi đó FCN tím lịm sau khi thị trường bắt đầu giao dịch được một tiếng đồng hồ.
Trên bảng giao dịch điện tử, nhiều mã cổ phiếu như HPG, HSG, HBC, GEX giữ sắc xanh.
Cập nhật dữ liệu tại thời điểm 10h22p, chỉ số VNINdex có giảm 3,64 điểm đứng ở 1.113,47 điểm.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm Quý Mão 2023 (27/1), VN-Index tăng 9,02 điểm lên mức 1.117,1 điểm, HNX-Index tăng 0,89 điểm lên mức 220,76 điểm. UPCOM tăng 1,01 điểm lên 74,99 điểm.
Thanh khoản trong phiên giao dịch đầu năm nay là khá tích cực, với hơn 11.100 tỷ đồng trên sàn HOSE với 605 triệu cổ phiếu trao tay. Con số này ở sàn HNX là 977 tỷ đồng và hơn 70 triệu cổ phiếu trao tay. Điều này thể hiện việc dòng tiền đang đổ vào thị trường khá tốt.
Giới chuyên gia cho rằng, diễn biến tích cực của TTCK trong những phiên giao dịch đầu năm Quý Mão chịu ảnh hưởng từ một số thông tin kính tế tích cực trong nước và quốc tế. Theo đó, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán các hoạt động đốc thúc xây dựng cơ bản diễn ra mạnh mẽ, trong đó có thông tin đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành. Trên thị trường quốc tế, nhà đầu tư quan tâm đến những diễn biến xung quanh quá trình mở cửa trở lại từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo đại diện Công ty Chứng khoán SHS, thị trường trong giai đoạn đầu năm mới đã phát ra nhiều tín hiệu tích cực từ chuỗi mua ròng của khối ngoại, sự vận động tích cực của một số cổ phiếu chủ chốt trong đó có dòng ngân hàng....
Chị Mai Hằng Thu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, năm 2022 tổn thất ở chứng khoán khá lớn song chị kỳ vọng năm 2023 này thị trường sẽ ổn định hơn, sẽ sớm bù đắp được mất mát của năm cũ. Còn anh Nguyễn Tuấn Việt (Linh Đàm, Hà Nội) vui vẻ nói rằng, với xu hướng vận động của thị trường hiện nay, nếu vào - ra đúng thời điểm, bắt đúng sóng thì tài khoản sẽ xanh.
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc SSI Research đánh giá, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân là động lực rất lớn cho TTCK. Sau 2 năm ghi nhận số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia ở mức kỷ lục, sang năm 2022, trước đà lao dốc của thị trường, các nhà đầu tư đều trong tâm thế thận trọng hơn khi nhìn sang năm 2023. Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, với sự nhanh nhạy vốn có, chỉ cần nhìn thấy có cơ hội, các nhà đầu tư cá nhân sẽ rất nhanh quay trở lại và tiếp tục trở thành động lực của TTCK.
Mở ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI) phân tích, bước sang năm 2023, để đánh giá triển vọng thị trường, phải nhìn nhận ở những yếu tố tích cực và cả tiêu cực. Trước hết, về những yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến thị trường năm 2023, đầu tiên phải kể đến là vấn đề lãi suất cao. Sau nhiều lần tăng lãi suất thì mặt bằng lãi suất thế giới hay Việt Nam vẫn ở mức cao để đối phó với những rủi ro lạm phát có thể gia tăng. Như vậy, về cơ bản, điều này không quá thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) niêm yết. Nếu mặt bằng lãi suất cao duy trì trong năm 2023, nó sẽ thật sự là một áp lực đối với các DN niêm yết, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí tài chính của các DN này.
Nhưng cũng ở yếu tố lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có thông tin rằng có thể sẽ không còn tăng lãi suất lớn nữa, thậm chí họ chỉ duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay và nếu lạm phát giảm mạnh trong năm tới thì có kỳ vọng lãi suất của Mỹ có thể giảm dần, điều này kéo theo lãi suất của các ngân hàng trung ương khác, trong đó có Việt Nam cũng sẽ có xu hướng giảm dần. Quá trình này kỳ vọng có thể xảy ra bắt đầu từ quý III/2023. Bức tranh lạm phát lúc này sẽ được cải thiện rõ nét và giảm dần sau khi đã tạo đỉnh. Hy vọng việc lãi suất giảm dần sẽ xảy ra và đây là một trong yếu tố giúp nền kinh tế bớt khó khăn, TTCK có cơ hội hồi phục mạnh mẽ hơn, dòng tiền có thể trở lại với thị trường.
Bên cạnh đó, việc lãi suất giảm, lạm phát giảm sẽ giúp nền kinh tế bớt khó khăn, khi đó áp lực lên tỷ giá của Việt Nam đồng cũng sẽ không lớn, thậm chí đồng Việt Nam có thể rất ổn định trong năm sau và phải tăng giá trở lại. Đây cũng là một yếu tố tích cực có thể giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2023 sẽ được kỳ vọng là một yếu tố hỗ trợ cho TTCK. Yếu tố tích cực thứ ba liên quan đến các vấn đề thúc đẩy dòng tiền vào nền kinh tế thông qua đầu tư công. Rất nhiều dự án đầu tư công đã được lên kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để hỗ trợ cho kinh tế hồi phục trở lại.
Theo giới chuyên gia, yếu tố định giá thấp cũng là một trong những yếu tố có thể kích hoạt dòng tiền trở lại thị trường trong năm 2023. Sau khi đã phản ánh rất nhiều tiêu cực của năm 2022, thị trường đang ở vùng định giá thấp và giá đủ hấp dẫn. Khi mà nền kinh tế có sự cải thiện, dòng tiền có sự trở lại của cả khối nội lẫn khối ngoại thì năm 2023 kỳ vọng TTCK sẽ có cơ hội hồi phục tốt hơn.