Xin chữ đầu năm
Sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, Hội chữ Xuân đã trở lại và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Mọi người khi đến xin chữ đều mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong tương lai.
Ngày Xuân, đối với người Việt là ngày khởi đầu của năm mới, cũng là khởi đầu của mọi sự mới. Chính vì thế, mỗi người đều mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, nên ngày Xuân xin chữ, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.
Là hoạt động thường niên tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, hội chữ Xuân Quý Mão 2023 trở lại với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” nhằm đề cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt các hoạt động điểm nhấn tại hội chữ như: Triển lãm thư pháp, không gian giáo dục thi cử truyền thống, không gian văn hóa đọc, không gian viết chữ Hán - Nôm và quốc ngữ.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” có ý nghĩa là đạo của người thầy được tôn nghiêm thì đạo học, tri thức mới được quý trọng, sự học được tốt đẹp.
“Chúng tôi mong muốn tri ân đến nhiều thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Đây cũng là thông điệp gửi tới các bạn trẻ biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo” - ông Kiêu cho hay.
Ngoài ra, Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 còn tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống: làng sĩ tử, các cụm tiểu cảnh, các điểm chụp ảnh, check-in phục vụ khách du xuân. Nhiều gian hàng của các làng nghề thủ công truyền thống; nhiều trò chơi dân gian đậm nét văn hoá (kéo co, đi dép cao su tập thể…) cùng chương trình biểu diễn quan họ, rối nước.
Người xin chữ sẽ thể hiện những kế hoạch, mục đích đặt ra trong năm mới. Thường thì tục cho chữ sẽ được viết trên giấy đỏ bằng mực tàu. Màu đỏ cũng thể hiện màu của may mắn, màu của tương lai. Đồng thời cũng là mong muốn sẽ mang lại điều may mắn cho người xin chữ. Màu đỏ là biểu tượng cho màu của ánh dương, màu của mặt trời đồng thời cũng thể hiện sức sống và sự sinh sôi nảy nở.
Nhiều bạn trẻ Thủ đô Hà Nội đã nô nức đến Văn Miếu để được xin chữ. Các bạn trẻ có xu hướng xin các chữ Nhẫn, Thuận, Học, Phúc… Nhiều gia đình mang các con nhỏ đến xin chữ để học hỏi văn hoá truyền thống của người Việt, đồng thời cùng bố mẹ ghi lại những khoảnh khắc đẹp ngày xuân.
Có mặt tại Hội chữ Xuân năm nay, chị Nguyễn Thu Huyền đến từ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây khi chưa có dịch bệnh, vào mỗi dịp đầu xuân, tôi và gia đình thường đi lễ chùa rồi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để được ngắm nhìn những nét chữ của thầy đồ và xin chữ. Năm nay tôi xin chữ phúc, với mong muốn gia đình luôn hạnh phúc và thật nhiều may mắn trong năm”.
Theo GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Tục xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ngày xưa, phong tục này gắn liền với hình ảnh ông đồ viết bằng chữ Hán. Gần đây mọi người đã chuyển dần sang viết bằng chữ quốc ngữ nhưng vẫn được thể hiện qua thư pháp. Theo tôi phong tục này qua đó sẽ được tiếp tục duy trì và phát triển”.
Trưởng Ban tổ chức Hội chữ Xuân Quý Mão năm 2023 Lê Trung Kiên cho biết: “Với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, chúng tôi muốn tôn vinh những người thầy. Họ đã và đang góp phần trao truyền tri thức, vun đắp nhân cách cho các thế hệ học trò”.
Bên cạnh mục tiêu tôn vinh đạo học, Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 cũng đã đáp ứng nhu cầu “xin chữ” đầu xuân - một nét văn hóa truyền thống đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Hội chữ Xuân đang định hình thành một sự kiện văn hóa thu hút đông đảo người dân Thủ đô và các khu vực lân cận đến tham quan.
Thư pháp gia Trần Quốc Chí - Chủ nhiệm CLB Thư họa UNESCO Hà Nội chia sẻ, vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những người viết chữ đều có sự chuẩn bị chu đáo thông qua việc luyện tay bút, đọc sách, tìm những chữ, những lời hay ý đẹp… nhằm mang đến những điều may mắn, động viên những người đến xin chữ. Mỗi người đến Văn Miếu thường xin chữ “Tài lộc”, “Phát tài” với mong muốn một cuộc sống sung túc trong năm mới; xin cho con cái thường là “Đăng khoa”, “Đỗ đạt”, “Thành danh”, “Thành đức”… Tất cả mọi người khi đến xin chữ đều mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong hiện tại, trong tương lai cho gia đình và cho cá nhân họ.