Ngày thơ Việt Nam 2023
Ngày thơ Việt Nam 2023 sẽ được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng (5/2), tại Hoàng thành Thăng Long.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, Ngày thơ Việt Nam 2023 sẽ có nhiều đổi mới so với những lần tổ chức trước. Sự kiện lần này đánh dấu sự đổi mới, đột phá có tính chuyên nghiệp hơn bởi đã có sự đồng hành của ê-kíp chuyên nghiệp và nhiều tâm huyết. Các chương trình sẽ hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, hội họa và thơ tạo thành những cung bậc để lan tỏa thơ ca đến với mọi người. Không chỉ là người yêu thơ mà cả người chưa yêu thơ, chưa hiểu thơ, khi bước chân đến cõi thơ cũng hiểu hơn về thơ, yêu thơ hơn.
Vẫn theo ông Thiều, sự kiện năm nay sẽ do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đồng tổ chức. Toàn bộ hoạt động của Ngày thơ được thiết kế và dàn dựng bởi ê-kíp sáng tạo gồm: Tổng đạo diễn Lê Quý Dương; phụ trách mỹ thuật-họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Ðình Nguyên. Sự kiện chính Ngày thơ năm nay sẽ tổ chức vào đêm Rằm tháng Giêng. Bên cạnh đó, không gian Ngày thơ gồm toàn bộ khu vực sân Ðoan Môn của Hoàng thành. Người yêu thơ sẽ được chào đón tại Cổng thơ - một thiết kế cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải. Qua Cổng thơ, khán giả sẽ dạo bước trên Ðường thơ để thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam được viết trên giấy dó. Cuối Ðường thơ, khán giả sẽ đến Nhà ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Bên cạnh Nhà ký ức là Quán thơ, nơi các nhà thơ, tao nhân mặc khách nhiều thế hệ sẽ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam.
Song song với Ðường thơ, phía phố Nguyễn Tri Phương sẽ tổ chức Ðường sách với khoảng 40 gian trưng bày dành cho các nhà xuất bản, công ty văn hóa, phát hành sách; công chúng tham quan và mua các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại. Tại vị trí trung tâm, trước cửa Ðoan Môn là sân khấu diện tích khoảng 350m2 sàn, trong đó có 100m2 sàn bằng kính, được gọi là Ðàn thơ - nơi sẽ diễn ra Ðêm thơ Nguyên tiêu… Ngoài ra sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi khác cũng được Hội Nhà văn Việt Nam đầu tư tổ chức, như: Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, với sự tham gia của các nhà thơ nhiều thế hệ, thảo luận và làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại; các hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ trong Quán thơ; công chúng tham quan và giao lưu tại Nhà ký ức thơ…
Đặc biệt vào 19 giờ ngày 5/2 sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chính của Ngày thơ, tại sân khấu trung tâm trước cổng Ðoan Môn. Ðiểm đặc biệt của năm nay là chỉ có một sân thơ duy nhất dành cho các nhà thơ mọi thế hệ. Sẽ có 21 bài thơ/tác giả thơ xuất hiện trong chương trình, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21.