Thông điệp gửi “ma men”
Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 20 đến 26/1/2023) trên phạm vi cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông làm 89 người chết, 111 người bị thương. Riêng ngày mùng 5 Tết (ngày 26/1) cả nước xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông (đều trên đường bộ), 12 người tử vong và 15 người bị thương.
Tính chung 7 ngày nghỉ Tết năm nay so với 7 ngày nghỉ Tết năm ngoái, giảm 12 vụ tai nạn (giảm 7,3%), giảm 3 người chết (giảm 3,3%) nhưng tăng 8 người bị thương (tăng 8%). Cụ thể: TNGT đường bộ xảy ra 147 vụ, làm chết 85 người và 109 người bị thương; đường sắt xảy ra 4 vụ, làm chết 4 người và 1 người bị thương; đường thủy xảy ra 1 vụ làm 1 người bị thương.
Đáng chú ý, vẫn theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong cùng thời gian có tới 26.411 ca khám, cấp cứu liên quan đến TNGT. So với cùng kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, số ca nhập viện liên quan đến TNGT tăng 13,5%.
Về việc xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão, cảnh sát giao thông và công an các địa phương đã phát hiện và xử lý 21.990 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền hơn 50,4 tỷ đồng, tạm giữ 639 ô tô, 9.910 xe máy và 50 phương tiện khác; tước 4.950 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 17 trường hợp dương tính ma túy, 2.211 trường hợp vi phạm tốc độ.
So với cùng thời gian nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, số tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử lý tăng gấp 7 lần (tăng 6.620 trường hợp). Một số địa phương có số tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử lý cao là: Hải Phòng 616 trường hợp, Hà Nội 558 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 483 trường hợp.
Nhìn vào những con số nêu trên có thể thấy số người vi phạm trật tự an toàn giao thông trong những ngày Tết vẫn nhiều, tuy nhiên năm nay số người bị phạt cũng tăng cao. Đây có thể được coi là “nét khác biệt” so với những Tết trước vì rằng trong những ngày nghỉ Tết lỗi của người tham gia giao thông thường được châm chước, bỏ qua. Năm nay, cảnh sát giao thông trực nghiêm, phạt nghiêm, nhất là với người cầm tay lái (cả xe máy lẫn ô tô) uống rượu bia.
Khi bị dừng xe, đo nồng độ cồn và ra quyết định xử phạt với số tiền lớn hơn hẳn so với trước, nhiều người vi phạm đã lấy làm ngạc nhiên. Họ vẫn nghĩ rằng ngày Tết uống vài ba chén rượu xuân là bình thường, sẽ nhận được sự thông cảm, xuê xoa của cảnh sát giao thông. Nên khi bị phạt thì trạng thái cảm xúc của họ đã từ ngạc nhiên tới sững sờ và rồi sợ sệt. Chính việc xử lý nghiêm, phạt tiền nặng với người vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là với những người đã uống rượu bia vẫn lái xe dịp Tết vừa qua như một thông điệp về việc thực hiện pháp luật giao thông thời gian tới, trong đó có các “ma men”. Từ đó TNGT sẽ được kéo giảm, nỗi đau của nhiều gia đình, của xã hội cũng dịu bớt.
Việc tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông trong dịp Tết năm nay được dư luận đồng tình, đánh giá rất cao. Không có chuyện bỏ qua vi phạm, cũng không chịu tác động từ những cú điện thoại can thiệp, và càng không có chuyện “làm luật” để “kiếm chác”.
Từ việc xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn dịp Tết Quý Mão khách quan cho thấy những Tết trước việc này bị buông lỏng. Trong khi lái xe uống rượu bia vẫn tham gia giao thông là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT hết sức thương tâm, trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Chính vì xử phạt không nghiêm nên câu khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe” nhiều khi còn bị các “ma men” đem ra giễu cợt.
Cần nhắc lại, chúng ta đã có những quy định chặt chẽ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, vấn đề là thực hiện thế nào mà thôi. Quy định tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021 của Chính phủ: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm thì mức phạt tiền là từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Ngoài ra người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn, cao nhất đến 24 tháng.