Thời tiết đẹp, nắng ấm, hàng nghìn người dân địa phương cùng du khách thập phương đổ về đền ông Hoàng Mười (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) để du xuân và làm lễ cầu bình an trong năm mới. Theo dân gian, ông Hoàng Mười là vị thánh chuyên ban lộc cho phát về công danh sự nghiệp. Chính vì thế, ai cũng muốn đến xin lộc ông vào mỗi dịp đầu năm. Một số du khách cho hay, ông Hoàng Mười là một vị tướng đánh trận giỏi nên cần ngựa để xông pha trận mạc, nếu đánh trận trên sông thì cần thuyền. Vì vậy, người đi lễ sắm thêm ngựa giấy và thuyền mang vào đền làm lễ. Theo khảo sát tại các điểm bán vàng mã, ngựa giấy có nhiều kích thước khác nhau từ 1m đến 2m, giá giao động khoảng 200.000 - 350.000 đồng/con. Ngoài ngựa giấy ra, nhiều du khách muốn cầu may, cần an, cầu duyên, giải hạn cũng sắm lễ tuỳ theo tín chủ, giá mỗi mâm lễ từ 300.000 đồng cho đến vài triệu đồng. Để cầu bình an và tài lộc, nhiều du khách thuê "thầy" làm lễ khấn cầu trước khi đưa đi đốt. Trên mỗi con ngựa giấy sẽ có thông tin tên tuổi và địa chỉ của tín chủ cần cầu may, ngoài ra du khách còn bỏ tiền thật kèm theo để tăng phần linh thiêng. Số lượng du khách đầu năm tại đền ông Hoàng Mười đông nên lượng thắp hương nhiều khiến cho lư hương phía ngoài sảnh lúc nào cũng đỏ lửa. Bên cạnh đó là những con ngựa giấy đang được xếp hàng ngay ngắn chờ "thầy" đến làm lễ. Nguy cơ hoả hoạn lớn nếu như du khách vô tình để que hương đang đỏ lửa chạm vào. Ngoài những con ngựa giấy "khủng" nhiều du khách cũng sắm cho gia đình những con ngựa nhỏ hơn để làm lễ. Sau khi làm lễ xong, du khách qua lò hoá vàng mã ở phía tây của đền đổ đốt. Có những thời điểm, du khách đua nhau đốt khiến đồ vàng mã đang bốc cháy văng hẳn ra phía ngoài gây nguy cơ hoả hoạn cao. Vì lượng du khách làm lễ tại đền đông nên số lượng ngựa giấy và vàng mã làm lễ nhiều khiến lò hoá vàng lúc nào cũng trong tình trạng đỏ lửa. Lò hóa vàng mã ở đền ông Hoàng Mười những ngày này quá tải vì nhiều người liên tục thay nhau đẩy ngựa giấy, vàng mã... vào đốt. Ban quản lý phân công 2-3 người phụ nữ túc trực ở đây hỗ trợ du khách và dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ngựa giấy, những lễ vật khác cũng được thay nhau cho vào lò hoá vàng mã. Một cơ sở sản xuất vàng mã đang chuẩn bị những con ngựa giấy để phục vụ du khách làm lễ tại đền.Ông Trịnh Công Minh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích đền Chợ Củi, thừa nhận tại đền vẫn còn tồn tại trạng ăn xin, nhét tiền lẻ, lạm dụng đốt vàng mã. "Mặc dù Ban Quản lý đã khuyến cáo người đi lễ không nên đốt ngựa giấy, vì nó ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên tín ngưỡng và nhu cầu của du khách nên việc cấm hẳn thì rất khó. Thời gian tới, đơn vị này sẽ cố gắng khắc phục", ông Minh nói.
Cẩm Kỳ