Quảng Ninh: Hội Xuân Yên Tử trở lại sau 2 năm 'lỡ hẹn' vì Covid-19
Sau 2 năm “lỡ hẹn” với người dân và du khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 31/1/2023 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão), Yên Tử chính thức khai hội trở lại.
Lễ Hội Xuân Yên Tử do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) phối hợp tổ chức. Đây là lễ hội lớn nhất trong dịp đầu Xuân tại Quảng Ninh và là điểm hẹn chào đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái mỗi dịp Xuân về, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử.
Để sẵn sàng trở lại trong đầu năm 2023, Ban Tổ chức Hội Xuân Yên Tử đã chủ động chuẩn bị từ sớm, lên phương án đón khách đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan,… Ban Trị sự GHPG tỉnh đã tiến hành dát vàng lại bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại khu vực An Kỳ Sinh. Nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cũng được cải tạo, chỉnh trang lại. Cùng với hệ thống cờ hoa, con đường hoa khoe sắc ngay từ Dốc Đỏ vào tới chân núi Yên Tử, tạo không khí xuân tươi mới, rực rỡ chào đón du khách. Bên cạnh đó, để phục vụ chu đáo nhu cầu du khách, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm tiếp tục tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm phong phú và diễn ra trên một không gian rộng, như các trò chơi dân gian tại khu làng Nương Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết vào sáng ngày khai hội (31/1), trong thời tiết nắng xuân đẹp, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã tập trung về Yên Tử để dự lễ khai hội. Tại đây, các đại biểu, nhân dân và du khách đã cùng ôn lại cuộc đời và công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông và tham gia vào các nghi lễ chính như gióng trống, thỉnh chuông, lễ Cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử,… Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay còn mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; Biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; Tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; Trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; Văn hoá Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử;…
Ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí nhấn mạnh: TP Uông Bí và Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với các di tích trong cả nước và Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều, cùng với đó là sự hoàn thiện các hạ tầng dịch vụ du lịch góp phần đưa Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử lên một vị thế mới, để nơi đây không chỉ là nơi du khách về thượng sơn chiêm bái Phật hoàng mà còn là nơi cung cấp các dịch vụ du lịch mang tầm cỡ quốc tế nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm, cổ kính và hệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Trong 9 ngày đầu Xuân Quý Mão, Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử đã đón trên 130.000 lượt khách du xuân, lễ Phật. Dự kiến, Yên Tử sẽ đón khoảng 30.000 lượt người về hành hương, tham quan và trải nghiệm trong ngày khai hội (ngày mùng 10 tháng Giêng) và hơn 1 triệu lượt khách trong suốt 3 tháng diễn ra Hội Xuân Yên Tử.