Tăng huyết áp và xuất huyết não

An Thái 01/02/2023 07:39

Bệnh tăng huyết áp rất dễ gây xuất huyết não. Khi huyết áp tăng cao quá mức chịu đựng của thành mạch, có thể gây nên vỡ thành mạch gây xuất huyết não.

Cấp cứu bệnh nhân xuất huyết não tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: TL.

Nhiều ca bệnh trở nặng

Trung tâm Điện quang - Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa thực hiện cấp cứu 3 bệnh nhân xuất huyết não do vỡ phình động mạch não. Cả 3 bệnh nhân đều có biểu hiện đau dữ dội đầu vùng gáy, không lan, kèm bủn rủn tay chân, khó thăng bằng, vã mồ hôi, không sốt, không liệt. Kết quả chụp CT mạch não cho hình ảnh xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch não. Sau can thiệp, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân ổn định và được theo dõi điều trị hồi sức tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Theo PGS.TS Vũ Đăng Lưu - Giám đốc Trung tâm Điện quang - Bệnh viện Bạch Mai, phình động mạch não là các vùng yếu, lồi ra ở thành mạch. Vỡ túi phình gây xuất huyết trong não, cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng. Các yếu tố nguy cơ có túi phình cần tầm soát, theo dõi là: Tuổi lớn, huyết áp cao, hút thuốc lá, dị dạng mạch máu não… Cần lưu ý triệu chứng khi túi phình vỡ: Đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, lơ mơ… đến bệnh viện để được điều trị sớm nhất.

Trước đó, những ngày cận Tết một bệnh nhân hơn 40 tuổi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng rơi vào tình trạng hôn mê sâu do xuất huyết não, được đặt ống nội khí quản, thở máy. Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện trung ương Thái Nguyên nhận định đây là ca bệnh nặng. Những bệnh nhân xuất huyết não (cụ thể là cầu não) có tỷ lệ tử vong cao, thậm chí lên tới 80% nếu không được xử trí kịp thời. Cùng với đó, cũng có nhiều người bị xuất huyết não trên nền bệnh lý tăng huyết áp nhưng không được kiểm soát tốt.

Chủ động phòng bệnh, tránh biến chứng

Các chuyên gia y tế cho hay, xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu nằm trong não bị vỡ ra hoặc tăng tính thấm làm máu thoát ra khỏi lòng mạch, khiến máu chảy vào các nhu mô não. Sự tăng áp lực đột ngột trong não có thể gây tổn thương các tế bào não xung quanh khối máu tụ. Lượng máu chảy nhanh sẽ gây tăng áp lực đột ngột có thể dẫn đến mất ý thức hoặc tử vong.

Theo đó, có 2 loại tăng huyết áp. Mỗi loại do một số nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh tăng huyết áp nguyên phát (hay còn gọi tăng huyết áp vô căn). Loại bệnh này phát triển theo thời gian không có nguyên nhân xác định. Bệnh thường gặp ở các đối tượng trên 45 tuổi, người có đái tháo đường, béo phì, ăn mặn, lạm dụng rượu bia, ít vận động hay căng thẳng trí não...

Bệnh tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp là triệu chứng của một bệnh nào đó). Chứng tăng huyết áp thứ phát (khoảng 5 -10%) xảy ra nhanh và trầm trọng hơn. Một vài nguyên nhân có thể gây ra bệnh tăng huyết áp thứ phát bao gồm: Bệnh về thận, hẹp động mạch thận; hẹp eo động mạch chủ, hở nặng van động mạch chủ; hội chứng ngưng thở khi ngủ; dị tật tim bẩm sinh…

BSCK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), cho hay 80% trường hợp gây xuất huyết não là do cao huyết áp, những nguyên nhân khác như u não, rối loạn đông máu, huyết khối tĩnh mạch... Người mắc tăng huyết áp được coi là một trong những đối tượng dễ bị xuất huyết não khi bệnh không được điều trị đúng. Các chuyên gia tim mạch khẳng định việc không tuân thủ điều trị là sai lầm với nhiều bệnh nhân.

Để phòng ngừa bệnh, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần có cách hạn chế/phòng tránh hậu quả của tăng huyết áp. Tốt nhất là kiểm soát được bệnh tăng huyết áp một cách đầy đủ. Duy trì trị số huyết áp ở mục về mục tiêu ổn định (<140/90 mmHg). Để đạt được điều đó phải thay đổi lối sống: Không dùng chất kích thích như trà, cà phê đặc, hạn chế rượu bia tối đa, hạn chế ăn mặn (giảm lượng muối trong khẩu phần ăn), tránh lạnh đột ngột, hạn chế mỡ động vật, ăn tăng rau quả. Tránh thức khuya, tránh làm việc quá sức trong môi trường khắc nghiệt như nóng quá hoặc lạnh quá... Cần tăng cường thể dục vận động một cách hợp lý như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe, bơi phù hợp với lứa tuổi và trạng thái có thể kèm nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý...

Thực hiện khám theo dõi định kỳ; điều trị thuốc đúng theo phác đồ thuốc kiểm soát tăng huyết áp. Điều trị triệt để các bệnh có triệu chứng tăng huyết áp.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hải - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tăng huyết áp là bệnh cần điều trị lâu dài, suốt đời. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nhưng cũng lại là nguyên tắc hay bị bỏ quên nhất. Người bệnh thấy khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, huyết áp đo ở ngưỡng ổn định thì lại bỏ không uống thuốc. Cho đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao mới dùng thuốc. Điều trị như vậy sẽ không có tác dụng dự phòng được các biến chứng, nghĩa là không có hiệu quả.

An Thái