Covid-19 vẫn chưa hết nguy hiểm
Sau 3 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đã dỡ bỏ những hạn chế phòng dịch để khôi phục kinh tế. Nhưng không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan với đại dịch, khi nó vẫn tiếp tục được đánh giá là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu.
Tiếp tục cảnh báo
Ngày 30/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đánh giá đại dịch Covid-19 vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC). Như vậy, WHO đã quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu với đại dịch Covid-19 sau 3 năm ban hành, cho rằng đại dịch vẫn gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế.
Trước đó, ngày 27/1, Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO đã nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch Covid-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không và đi đến thống nhất về nguy cơ đại dịch tiếp diễn. Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus cho rằng, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng khả năng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng "vẫn còn hạn chế".
Ông Tedros nói: "Khi bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chắc chắn chúng ta đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng dịch bệnh (do biến thể Omicron gây ra) lên đến đỉnh điểm và WHO đã ghi nhận hơn 70.000 ca tử vong mỗi tuần". Theo Tổng giám đốc WHO, tỷ lệ tử vong hằng tuần đã giảm xuống dưới 10.000 ca vào tháng 10/2022 nhưng đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 12/2022.
Tổng giám đốc WHO cho biết, các vaccine phòng bệnh, xét nghiệm và phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc cứu mạng sống của các bệnh nhân, ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và nhân viên y tế. Tuy nhiên, ông cho rằng, ứng phó toàn cầu với dịch bệnh vẫn còn lúng túng vì ở nhiều quốc gia, các công cụ mạnh mẽ, cứu mạng này vẫn chưa đến được với những người dân cần nhất - đặc biệt là người già và nhân viên y tế. Ngoài ra, niềm tin của công chúng vào các công cụ phòng chống Covid-19 này đang bị xói mòn bởi một loạt thông tin sai lệch và xuyên tạc, trong khi các hệ thống y tế vẫn đang phải vật lộn để đối phó với gánh nặng của Covid-19.
Điển hình tại châu Phi, mới đây WHO cho biết, sau mùa du lịch đi lại nhiều nhân dịp đầu Năm mới 2023, số ca mắc Covid-19 đã không tăng mạnh tại châu Phi. Tổng cộng 20.552 ca mắc mới được ghi nhận trong 3 tuần đầu tháng 1/2023, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022. Thực tế mới này một phần là do tỷ lệ xét nghiệm thấp, nhưng điều quan trọng là số ca nhập viện vì mắc bệnh nặng và số ca tử vong cũng đã giảm đáng kể.
Đại diện của WHO tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết: “Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, tháng Một đầu năm không chứng kiến số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các biến thể tiếp tục lây lan, các nước cần cảnh giác và có biện pháp để phát hiện và xử lý kịp thời đợt bùng phát lây nhiễm mới”.
Trên phạm vi thế giới tới nay WHO đã được báo cáo về gần 665 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 6,7 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, WHO luôn nhấn mạnh rằng, con số thực sẽ còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, hơn 13,1 tỷ liều vaccine phòng ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu.
Thiếu sự chuẩn bị cho tương lai
Ngày 30/1, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo rằng, tất cả các nước trên thế giới vẫn chưa có sự chuẩn bị để đối phó với đại dịch tiếp theo, khi cho rằng các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai cũng có thể xảy ra đồng thời với các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Theo IFRC, nhiều nước vẫn thiếu nghiêm trọng các hệ thống ứng phó mạnh mẽ dù đã trải qua 3 năm chịu tác động tàn khốc của đại dịch Covid-19. IFRC nhấn mạnh, việc xây dựng lòng tin, sự công bằng và các mạng lưới hành động cấp địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng tiếp theo.
IFRC nêu rõ: “Tất cả các quốc gia vẫn chưa có sự chuẩn bị cho các đợt bùng phát trong tương lai", từ đó đi đến kết luận rằng, tinh thần sẵn sàng ứng phó của chính phủ các nước hiện không cao hơn so với mức của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
IFRC nhấn mạnh, các nước cần phải có sự chuẩn bị ứng phó với với nhiều chứ không phải một mối nguy hiểm. Các xã hội chỉ trở nên thực sự kiên cường thông qua việc lập kế hoạch cho các loại thảm họa khác nhau, vì các thảm họa có thể xảy ra đồng thời trong bối cảnh các thảm họa liên quan đến khí hậu và các đợt bùng phát dịch bệnh gia tăng trong thế kỷ này, trong đó có đại dịch Covid-19. IRFC cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất ngày càng tăng và mức độ khốc liệt hơn trong khi khả năng ứng phó của các nước còn ở mức hạn chế.
IFRC cũng khuyến nghị giảm thiểu những thảm họa trong tương lai có quy mô giống như đại dịch Covid-19. Tổng thư ký IFRC Jagan Chapagain nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng toàn cầu để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo. Đại dịch tiếp theo có thể sắp xảy ra nếu trải nghiệm về dịch bệnh Covid-19 không đẩy nhanh các bước chuẩn bị của chúng ta".
Đại diện của WHO tại châu Phi, bà Moeti nhấn mạnh, khoảng cách miễn dịch lớn có thể tạo cơ hội tái bùng phát ca nhiễm mà lẽ ra vaccine có thể ngăn chặn. Dù số ca nhiễm đang giảm, nhưng đại dịch có thể đảo chiều bất ngờ và tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn mắc bệnh nặng và tử vong vì virus vẫn đang lây lan và tiếp tục biến đổi.