Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò của Mặt trận trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
Khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ trong xây dựng Làng văn hóa, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát huy vai trò của MTTQ và hệ thống chính trị trong việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh”.
Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với mục tiêu hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng, xây dựng khu dân cư văn hóa, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống trong các thôn, làng, tổ dân phố trong “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản xuất, tiêu dùng hàng hóa địa phương, qua đó cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước; nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo đó, từ năm 2023, toàn tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại 28 thôn, tổ dân phố; mỗi huyện, thành phố triển khai thí điểm tối đa 3 mô hình, riêng huyện Vĩnh Tường lựa chọn 4 mô hình.
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí với nội dung của Đề án, khẳng định đây là tư duy đổi mới của lãnh đạo tỉnh, các đại biểu đề nghị việc đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là những địa phương được thực hiện thí điểm mô hình. Về một số giải pháp thực hiện, cần tập trung vào việc huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, hội viên, đoàn viên; công khai quy hoạch mô hình thí điểm theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, đặc biệt gắn với các di tích lịch sử.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng các “Làng văn hóa kiểu mẫu “phải đồng bộ, văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân tham gia nhiệm vụ này. Công tác truyên truyền chú trọng thông tin từ xã, thôn, tổ dân phố để tất cả người dân đều hiểu và tích cực hưởng ứng; huy động nguồn vốn kịp thời, hiệu quả, đúng quy định; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để công trình xây dựng theo kế hoạch, đúng ý Đảng, hợp lòng dân.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, tỉnh cần nghiên cứu để kết nối các công trình làng văn hóa ở xa khu di tích lịch sử; tìm giải pháp để thực hiện Đề án có tính khả thi cao; có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn tín dụng xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”; quan tâm bảo tồn các giá trị về văn hóa, gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh khẳng định, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là người dân phải được thụ hưởng những thành quả phát triển của tỉnh, đồng thời yêu cầu, để đề án được triển khai hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” các cấp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân khi thực hiện không hiệu quả.
“Các huyện, thành phố cần sớm triển khai kế hoạch, có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể để các mô hình điểm có sự lan tỏa, để mỗi người dân được tìm hiểu truyền thống của địa phương mình, cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp nhân văn của đề án; có ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo cân đối, phân bổ vốn ngân sách để thực hiện Đề án; giới thiệu, cung cấp mẫu thiết chế văn hóa, thể thao, mẫu kiến trúc cảnh quan; đề xuất, thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tổ chức thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định.
Ông Phạm Hoàng Anh cũng lưu ý, các nơi được lựa chọn thí điểm phải có quỹ đất phù hợp để có thể tích hợp cả 3 hạng mục đầu tư; thôn có lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, văn hóa, nông nghiệp, làng nghề của địa phương, môi trường sinh thái, văn hóa, du lịch, làng nghề. UBND các cấp kịp thời phản ánh những khó khăn, kiến nghị của địa phương liên quan đến cơ chế, chính sách để tỉnh và các ngành chức năng chỉ đạo thực hiện; tập trung vào các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng ruộng đất, vệ sinh môi trường, xây dựng các hương ước, quy ước, đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục tiêu, ý nghĩa của Đề án để người dân được biết, bàn bạc, ủng hộ, hưởng ứng, tạo sự đồng thuận, sức lan tỏa trong nhân dân; kịp thời biểu dương nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong quá trình thực hiện Đề án.