Doanh thu của Kinh Bắc lần đầu ở mức âm

Văn Thanh 01/02/2023 15:05

Lần đầu tiên, doanh thu thuần của Kinh Bắc rơi xuống mức âm 331,2 tỷ đồng trong quý IV/2022 do các khoản giảm trừ doanh thu lên tới 447 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Kinh Bắc lần đầu ghi nhận doanh thu thuần trong quý ở mức âm 331,2 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Doanh thu lần đầu rơi xuống mức âm

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (MCK: KBC, sàn HoSE) vừa trải qua quý IV/2022 kinh doanh ảm đạm khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của KBC giảm 90% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 116 tỷ đồng.

Không những vậy, do các khoản giảm trừ doanh thu lên tới 447 tỷ đồng khiến Kinh Bắc lần đầu ghi nhận doanh thu thuần ở mức âm 331,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 lên tới 1.169 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng âm 39 tỷ đồng, KBC ghi nhận lỗ gộp 292 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tài chính tăng 77%, lên mức 103 tỷ đồng nhưng các chi phí khác lại ở mức cao. Cụ thể, chi phí tài chính 151 tỷ đồng, tăng 9%; chi phí quản lý 176 tỷ đồng, gần như không đổi.

Sau khi trừ đi các chi phí, công ty của ông Đặng Thành Tâm đã ghi nhận khoản lỗ ròng sau thuế của công ty mẹ ở mức 482 tỷ đồng quý cuối năm 2022. Đây cũng là quý lỗ nhiều nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Kinh Bắc giảm 77% so với năm trước, ở mức 957 tỷ đồng. Đây cũng là doanh thu thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của KBC.

Cơ cấu doanh thu cho thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là sự sụt giảm của việc cho thuê đất và cơ sở hạ tầng (giảm 78%, đạt 664 tỷ đồng) lẫn việc chuyển nhượng bất động sản (giảm 31%, đạt 353 tỷ đồng) trong khi công ty không còn doanh thu bán nhà xưởng như năm trước.

Công ty có thu nhập đột biến từ doanh thu tài chính gấp đôi năm trước, đạt 338 tỷ đồng. Lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt 2.199 tỷ đồng, trong đó hơn 1,997 tỷ đồng đến từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh liên quan trong thương vụ Kinh Bắc tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.

Nhờ có khoản lợi nhuận từ công ty liên kết, KBC ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 1.719 tỷ đồng, giảm 2,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.595 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.

Lợi nhuận chỉ là con số trên sổ sách

Cũng theo báo cáo của Kinh Bắc, dòng tiền kinh doanh trong năm 2022 âm 212 tỷ đồng, cho thấy việc lợi nhuận nói trên chỉ là con số trên sổ sách chứ trên thực tế không thu được tiền về.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt 34.932 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng đạt 2.258 tỷ đồng, giảm 16%; đầu tư chứng khoán kinh doanh tới 1.862 tỷ đồng (chủ yếu vào Công ty khách sạn Hoa Sen).

Hàng tồn kho ghi nhận 12.254 tỷ đồng, chiếm hơn 35% tổng tài sản. Khu đô thị (KĐT) và khu công nghiệp (KCN) Tràng Cát vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 7.800 tỷ đồng; sau đó là KCN Tân Phú Trung; KĐT Phúc Ninh; KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đều trên 1.000 tỷ đồng; KĐT Tràng Duệ, KCN Quang Châu và dự án Nhà ở xã hội thị trấn Nếnh hơn 300 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn năm qua đã tăng thêm 19% lên 11.142 tỷ đồng, khoản phải thu dài hạn giảm 61% còn 577 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo thuyết minh của KBC, tính đến ngày 31/12/2022, doanh nghiệp tạm ứng tiền tỷ cho dàn lãnh đạo Kinh Bắc.

Cụ thể, KBC có khoản phải thu đối với ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT trị giá 2,1 tỷ đồng; đối với bà Nguyễn Thị Thu Hương, thành viên HĐQT là 3,4 tỷ đồng; bà Nguyễn Mỹ Ngọc, Phó Tổng Giám đốc KBC là 309 triệu đồng và ông Phan Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc KBC là 110 triệu đồng.

Tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của doanh nghiệp là 17.067 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm và gần bằng vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng dư nợ trái phiếu gần 3.900 tỷ đồng, nợ trái phiếu đến hạn trả là 2.900 tỷ đồng.

Văn Thanh