ChatGPT có tạo ra kỷ nguyên mới cho trí tuệ nhân tạo phát triển?
Cuối tháng 11/2022, công ty OpenAI giới thiệu ChatGPT - siêu trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ tốt người dùng trả lời câu hỏi, lập trình, làm luận văn, sáng tác nhạc... Tuy nhiên, ChatGPT vẫn đang dừng lại ở mức độ thử nghiệm và vẫn chưa phải là sản phẩm hoàn thiện.
Những ngày qua, hiện tượng siêu Al mang tên "ChatGPT" đang dần đổ bộ trên phạm vi toàn cầu bởi những gì chatbot AI này có thể làm được.
Theo tìm hiểu, ChatGPT (tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) là công cụ hỏi đáp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty công nghệ OpenAI phát triển. Về cơ bản ChatGPT được thiết kế để mô phỏng các cuộc trò chuyện giống của con người, có thể làm thơ theo yêu cầu, thậm chí có thể trả lời các câu hỏi phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau. Có người nhận định, chatbot AI này biết mọi thứ, miễn nó kết nối với internet.
Đáng chú ý, kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, sau 40 ngày, AI này đã vượt mốc 10 triệu người dùng và thường xuyên quá tải do lượng truy cập lớn. Đến giữa tháng 1, người dùng ChatGPT tăng vọt.
Câu chuyện từ người bỏ học ở Đại học Stanford đến sáng tạo ra siêu Al
Người nắm giữ thành công của OpenAl phải kể đến Samuel Altman - CEO OpenAI. Anh sinh năm 1985, sinh ra và lớn lên ở St. Louis, bang Missouri , có gốc là người Do Thái.
Sau khi tốt nghiệp trường trung học John Burroughs ở địa phương, Altman tiếp tục theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford nhưng bỏ học vào năm 2005. Sau khi bỏ học Đại học Stanford, Altman thử thách bản thân ở dự án khởi nghiệp Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí. Loopt từng huy động được 30 triệu USD, nhưng phải đóng cửa năm 2012 vì không thu hút được sự chú ý, sau đó bị thâu tóm với giá 43,4 triệu USD.
Dù không thành công với Loopt, Altman vẫn tiếp tục đầu tư vào các dự án khởi nghiệp công nghệ và đầu quân cho vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinato vào năm 2011. Tháng 2/2014, anh được người đồng sáng lập Y Combinato là Paul Graham bổ nhiệm làm chủ tịch công ty ở tuổi 29. Hai năm sau, anh trở thành Chủ tịch YC Group, gồm Y Combinator và các đơn vị khác.
Dưới sự lãnh đạo của Altman, Y Combinator đã tài trợ cho hơn 2.000 dự án khởi nghiệp với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 100 tỷ USD. Đến năm 2019, Altman từ chức chủ tịch YC Group để tập trung vào công ty OpenAI và không còn đóng vai trò nào ở YC nữa.
Được biết, OpenAI có trụ sở chính tại thành phố San Francisco (Mỹ), được thành lập vào năm 2015 bởi Elon Musk, Sam Altman, Peter Thiel, Reid Hoffman, Jessica Livingston… Năm 2018, tỷ phú Elon Musk đã từ chức khỏi hội đồng quản trị của công ty, nhưng vẫn tiếp tục tài trợ số tiền lớn cho các hoạt động nghiên cứu của OpenAI.
ChatGPT khiến Google lo ngại về tương lai
Mười năm trước, Google là công ty dẫn đầu về AI. Năm 2014, Google mua lại DeepMind, một công ty AI tiên tiến. Đến 2016, CEO Sundar Pichai hứa sẽ biến Google thành công ty "thiên về AI".
Vậy nhưng, sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT đã khiến Google thay đổi chiến lược và dồn nguồn lực để phát triển AI. Trong thông báo cắt giảm 12.000 nhân viên ngày 20/1/2023, ông Pichai tuyên bố Google sẽ tập trung vào AI.
Trước động thái của Google, hãng công nghệ Microsoft đã trực tiếp tạo ra thách thức cho "gã khổng lồ công nghệ" khi ký kết khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la vào OpenAI - "cha đẻ" của ChatGPT. Động thái này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi ChatGPT trình làng.
Các giám đốc điều hành của Microsoft không giấu giếm mục tiêu sử dụng ChatGPT để thách thức Google sau khi cuộc chiến công cụ tìm kiếm ngã ngũ một thập niên trước, bằng cách kết hợp nó vào dịch vụ tìm kiếm Bing của hãng.
Tuy nhiên, việc xử lý ngôn ngữ để trả lời các truy vấn từ người tìm kiếm như cách ChatGPT đang làm sẽ tốn kém hơn cách tìm kiếm thông thường, cao hơn khoảng bảy lần theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Morgan Stanley.
Rào cản này có thể khiến Microsoft cân nhắc kỹ hơn trong việc đại tu triệt để công cụ tìm kiếm Bing, công cụ tạo ra doanh thu hơn 11 tỷ USD vào năm ngoái.
Mặc dù vậy, theo nhận định của CNBC, ở giai đoạn này, kết quả từ Google vẫn đáng tin cậy nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển công cụ tìm kiếm cũng như nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư cho công nghệ. Ngược lại, ChatGPT đang trong quá trình thử nghiệm và nhiều lần gặp tình trạng dừng hoạt động do quá tải.
ChatGPT đang làm gì tại Việt Nam?
Theo thống kê của Google Trends, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam. Website của ChatGPT thường xuyên ở trạng thái "đang hoạt động hết công suất". Siêu AI này cũng trở thành chủ đề phổ biến trên mạng xã hội Facebook. Trên hàng loạt cộng đồng thuộc mọi lĩnh vực, ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện với ChatGPT xuất hiện dày đặc.
Theo TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI cho rằng: "ChatGPT tạo được mối quan tâm lớn bởi lần đầu có một sản phẩm AI được giới thiệu rộng rãi, trí tuệ nhân tạo nhưng đem đến cảm giác rất gần trí tuệ của con người".
Theo ông, điểm hấp dẫn của ChatGPT là khả năng trả lời đa dạng câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, từ câu hỏi liên quan đến tri thức cho đến việc tạo ra nội dung theo yêu cầu, như kịch bản phim, hay thậm chí lập trình, sửa lỗi.
Tuy nhiên, TS. Đặng Minh Tuấn cũng đánh giá những sản phẩm mới như ChatGPT sẽ có tính hai mặt.
Về mặt tốt, người dùng có thể tận dụng AI để thu thập thông tin kiến thức, nhờ gợi ý các ý tưởng theo dữ liệu mà ChatGPT được huấn luyện. Giải pháp của OpenAI có thể giúp tiết kiệm thời gian bằng cách trả lời nhanh, đi thẳng vấn đề, thay vì đưa ra danh sách đường link và người dùng phải tự tổng hợp như khi sử dụng Google.
Ngược lại, đây cũng có thể trở thành vấn đề nguy hiểm nếu câu trả lời sai sót về mặt thông tin. "ChatGPT chỉ là một mô hình ngôn ngữ, có thể trả lời sai hoặc chưa chính xác, không có link dẫn nguồn để minh chứng kết quả đưa ra", ông Tuấn nói. Ngoài ra, trong những cuộc trò chuyện, ChatGPT không hiểu bối cảnh hoặc cảm xúc của người dùng, nên có thể trả lời không phù hợp hoặc gây tác động xấu đến trải nghiệm.
Hiện tại, ChatGPT vẫn đang được thử nghiệm miễn phí. Tuy nhiên, giải pháp của công ty Mỹ hiện vẫn hạn chế truy cập từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, đa số cá nhân có nhu cầu sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận ChatGPT, ngay từ bước tạo tài khoản.
ChatGPT vẫn đang dừng lại ở mức độ thử nghiệm và vẫn chưa phải là sản phẩm hoàn thiện.