Bản tin y tế ngày 1/2: Số mắc Covid-19 giảm mạnh chỉ còn 11 ca

P.Vân 01/02/2023 19:07

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 1/2 của Bộ Y tế cho biết chỉ có 11 ca mắc Covid-19, giảm mạnh so với hôm qua. Trong ngày có 17 bệnh nhân khỏi.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.508 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua.

Tình hình điều trị Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 17 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.612.479 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 2 ca, trong đó:

Thở ô xy qua mặt nạ: 2 ca

Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca

Thở máy không xâm lấn: 0 ca

Thở máy xâm lấn: 0 ca

ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

Ngày 31/01 ghi nhận 0 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine Covid-19

Trong ngày 31/01 có 22.628 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.118.289 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.753.718 liều: Mũi 1 là 71.082.290 liều; Mũi 2 là 68.701.112 liều; Mũi bổ sung là 14.534.330 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.911.351 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.524.635 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.893.009 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.064 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.808.121 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.471.562 liều: Mũi 1 là 10.246.078 liều; Mũi 2 là 8.225.484 liều.

Nhận biết bệnh zona thần kinh

Thời kỳ ủ bệnh zona thần kinh chưa được xác định rõ ràng, nhưng khoảng thời gian từ 7 đến 12 ngày, tùy theo từng thể trạng của người bệnh.

Thời gian khởi phát bệnh sẽ là vài ngày trước khi nổi tổn thương, bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát vùng sắp nổi tổn thương, có thể có sưng hạch lân cận.

Các biểu hiện toàn phát sẽ có những dấu hiệu như: Xuất hiện rát đỏ, gờ hơi cao, thường là hình bầu dục, sắp xếp dọc theo một dây thần kinh. Tổn thương có thể đứng riêng rẽ nhau hoặc liên kết lại với nhau thành một dải, dừng lại ở đường giữa của cơ thể. Sau vài giờ các mụn nước sẽ xuất hiện và hình dạng của mụn sẽ là trong suốt, căng.

Trên các rát đỏ, các mụn nước đục dần, một số liên kết với nhau và trở thành những phỏng nước lớn giống như các mảng da bị bỏng nhiệt.

Khoảng sau 4 - 5 ngày các mụn nước, bọng nước teo lại rồi khô dần, để lại những vảy tiết nhỏ, màu vàng ngả nâu, nền đỏ nhạt dần, xẹp xuống và trở thành màu nâu. Một số mụn nước và nhất là các bọng nước vỡ ra, có thể tạo thành những ổ loét khá sâu trên da và điều này sẽ để lại sẹo vĩnh viễn gây mất thẩm mỹ của da. Ở vùng da lành cùng phía với tổn thương, đôi khi có một vài mụn nước lưu vong, ít xuất hiện các mụn lưu vong ở phía đối diện.

Ngoài ra, các dấu hiệu zona thần kinh khác có thể là tình trạng viêm hạch lân cận xuất hiện sớm, trước hoặc sau tổn thương da, gây đau. Các rối loạn cảm giác tuy không phải bệnh nhân nào cũng có, song rất hay gặp.

Các cơn đau nhức thần kinh, có lan ra xa các điểm đau cố định, tồn tại lâu dài, cảm giác nóng rát trên vùng da sắp xuất hiện hoặc đã xuất hiện các mụn nước. Ở người trẻ, thường chỉ đau nhẹ hoặc không đau; trái lại ở người già triệu chứng đau đặc biệt dữ dội và tồn tại lâu.

Bên cạnh các rối loạn cảm giác ngoài da (tê xen kẽ với quá cảm ở trên các đám thương tổn), còn có thể gặp các rối loạn về phản xạ da, hoặc đôi khi chứng liệt (liệt cơ liên sườn, liệt các dây thần kinh sọ não, nhất là dây VII), liệt rễ thần kinh các chi. Hiện tượng teo cơ, rối loạn giao cảm, viêm tủy lan ngược gây tử vong cũng có thể gặp trong một số trường hợp.

Mùa xuân cần đề phòng viêm mũi dị ứng

Khi bị viêm mũi dị ứng có những triệu chứng như: hắt hơi, chảy nước mũi (trong, loãng), nghẹt mũi, nhức đầu, ngứa họng và ho... đây là những triệu chứng thường thì người bệnh lầm rằng mình bị cảm. Viêm mũi dị ứng thường kèm với những tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như là suyễn. Viêm mũi dị ứng cũng gây ảnh hưởng học hành khó tiếp thu, rối loạn giấc ngủ và uể oải. Những biến chứng bao gồm: viêm tai giữa, viêm mũi-xoang cấp và viêm mũi-xoang mạn.

Do mùa xuân tình trạng thời tiết mưa phùn, ẩm thấp, phấn hoa nhiều nên người bệnh viêm mũi dị ứng cần tránh tiếp xúc với những chất kích thích gây triệu chứng viêm mũi dị ứng tăng kịch phát.

- Cần cải tạo kiểm soát môi trường, tránh những nguyên nhân đặc biệt gây viêm mũi dị ứng đã phát hiện và cả những chất không đặc hiệu có thể gây kích thích khởi phát dị ứng…

- Cần thường xuyên vận động, tập thể dục, chơi thể thao nhằm tạo sức đề kháng cho cơ thể. Khi đi ngoài trời nắng, bụi và gió thì phải mang khẩu trang.

Trên thực tế, viêm mũi dị ứng cũng có thể tự khỏi trong vòng vài ngày (nếu cơ thể có sức khỏe tốt). Nếu quá 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm, thì cần đến chuyên khoa để chữa trị, nhằm tránh việc những biến chứng trầm trọng hơn.

Người bệnh cần theo dõi các biến chứng có thể xảy ra những biến chứng như viêm tai giữa, rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm mũi-xoang cấp, viêm mũi-xoang mạn.

P.Vân