Vẫn khó xử lý rác thải sinh hoạt
Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng rác thải sinh hoạt tại nhiều địa phương tăng đột biến, có nơi tăng gấp 2 - 4 lần so với ngày thường. Đặc biệt ở vùng nông thôn, rác thải sinh hoạt tràn lan và chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng trầm trọng đến cảnh quan cũng như môi trường sống.
Tràn ngập rác thải
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, hình ảnh khá phổ biến tại nhiều địa phương là xuất hiện nhiều rác thải, nhất là rác thải nhựa. Theo thống kê, tại các địa phương, nhất là các đô thị lớn, lượng rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa lẫn trong rác sinh hoạt tăng khoảng 30% so với ngày thường. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó gần 10%, khoảng 6.000 tấn rác nylon. Đa số lượng rác này được chôn lấp lẫn trong các bãi rác hoặc thải ra vào nguồn nước. Ở không ít địa phương, nguồn nước tưới tiêu cũng đang bị ngấm dần bởi nước rỉ rác, một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Không riêng các thành phố, đô thị, tại các vùng nông thôn, rác thải sinh hoạt cũng đang là vấn nạn bởi hầu hết các xã vùng nông thôn chưa có quy hoạch địa điểm xử lý rác, dẫn đến chỗ thừa, chỗ thiếu. Một số lò đốt không đủ điều kiện để hoạt động. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn thấp; công tác xã hội hóa các nguồn lực để thu gom, xử lý rác chưa tốt… Trong khi đó cùng với đà tăng dân số, mỗi năm khu vực này thải ra môi trường khoảng 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón…Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý. Số còn lại chủ yếu là chất thải rắn và khó phân hủy, tiềm ẩn nguy cơ gây hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe người dân.
Chưa kể, phần lớn lượng rác thải được xử lý thông qua phương pháp chôn lấp; về lâu dài sẽ tác động ngược đối với môi trường, nguồn nước, cũng như hệ sinh thái bên cạnh nó.
Tại Lào Cai, theo ông Ngô Bảo Lân - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường TP Lào Cai (Công ty cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai), trong những ngày nghỉ tết Nguyên đán, lượng rác thải (tại các địa phương công ty tổ chức thu gom) tăng cao hơn 65% so với ngày thường. Trung bình, khoảng 215 tấn/ngày. Đơn vị đã có tính toán số lượng lao động để tăng số chuyến thu gom rác thải, tuy nhiên tại một số nơi tổ chức sự kiện, lễ hội, khu vực chợ, việc phân loại rác chưa tốt cũng gây một số khó khăn cho công tác thu gom.
40% rác thải sinh hoạt được xử lý
Đã có nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, đó là các hoạt động truyền thông, các chiến dịch chống rác thải nhựa, khuyến khích nhà sản xuất và cộng đồng thu hồi, xử lý, tái chế bao bì, rác thải nhựa, sử dụng bao bì thân thiện môi trường…. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng trên thực tế, nhiều phong trào sau một thời gian đang có xu hướng chững lại.
Theo lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến năm 2025, tất cả các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp cùng các địa phương lên kế hoạch xây dựng phương án, hạ tầng để triển khai việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nếu chỉ thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa đủ bởi nếu phân loại rác tại nguồn song quá trình vận chuyển, thu gom rác vẫn được đổ chung.
“Việc phân loại rác thải tại nguồn rất quan trọng của cả 1 dây chuyền thu gom và xử lý rác tuy nhiên thu gom bằng cách nào, xử lý bằng cách nào để bảo vệ môi trường thì chúng ta vẫn chưa có nên sẽ rất khó thực thi có hiệu quả khi Luật đi vào đời sống” - TS Vũ Thị Kim Tuyến, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết.
Thực tế việc phân loại rác thải tại nguồn được khởi động ở nhiều địa phương từ nhiều năm qua. Đã có rất nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động phân loại rác thải tại nguồn được tổ chức. Thông qua mô hình, nhận thức về việc phân loại rác thải của người dân được nâng cao. Ban đầu, các hộ còn ngại khó nhưng nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hình thành việc ứng dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.
Song vì chưa có quy định, quy chuẩn thống nhất nên việc phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả.