“Nước rút” tham vấn Luật Đất đai

THÀNH LUÂN 02/02/2023 06:04

Hiện các địa phương trong cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham vấn, góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hạn chót vào ngày 15/3 tới; để Chính phủ chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, trước khi báo cáo và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) hơn 20 năm quy hoạch vẫn dang dở do chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc bồi thường, tái định cư cho người dân. Ảnh: VietnamPlus.

Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý đất đai trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều đóng góp về tham vấn sửa đổi nội dung dự thảo đến đối tượng tham gia góp ý. Trong giai đoạn tham vấn nước rút này, đông đảo các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân đã tham gia các hội nghị đóng góp ý kiến từ thành phố đến cấp quận/huyện, phường/xã cư trú.

Tổng hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân tại các hội nghị này, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị 17 nội dung liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường để đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Trong số các kiến nghị này, TP HCM kiến nghị địa phương được quyền chủ động xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. TPHCM cũng kiến nghị cơ chế áp dụng bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Ngoài ra, đô thị đầu tàu kinh tế cả nước cũng góp ý về tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B; khuyến khích hoặc có hành lang cơ chế cho phép thí điểm việc các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng quyền thuê đất đóng tiền hàng năm…

Về các vấn đề tồn đọng của Luật Đất đai hiện hành, nhiều ý kiến khi góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đề nghị sửa đổi quy định của Luật theo hướng có cơ chế đủ mạnh để thu hồi đất các dự án vi phạm; góp phần tạo nguồn thu ngân sách. Nếu có quy định cụ thể về cơ chế này, không chỉ Hà Nội, TP HCM mà các đô thị trực thuộc Trung ương có điều kiện để thí điểm, trong đó được phép áp dụng quy định, chế tài mạnh mẽ, quyết liệt để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, dự án vi phạm pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, qua thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai cho thấy việc áp dụng Luật Đất đai vào thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung. Đây là một đạo luật khó, phức tạp, có tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong hoạt động kinh tế - xã hội của quốc gia. Do đó, quá trình lấy ý kiến tham vấn, phản biện cũng như góp ý, hiến kế cho các nội dung dự thảo được cả hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước, Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Năm 2023 được xác định là năm hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc sửa đổi, bổ sung thận trọng, kỹ lưỡng cho dự thảo Luật càng phải được chuẩn bị chu đáo để Quốc hội quyết định thông qua một đạo luật quan trọng của quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời giữ gìn và phát huy nguồn lực từ nguồn tài nguyên đặc biệt này.

THÀNH LUÂN