Hút lao động trong 'bão' lạm phát
Từ trợ cấp lạm phát đến đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, các công ty ở Nhật Bản đang nỗ lực giúp nhân viên chống lại “cơn sốt” giá cả và khủng hoảng lao động.
Nỗ lực của doanh nghiệp
Tại phiên đàm phán lao động mùa xuân, dự kiến kết thúc vào giữa tháng 3, các công ty lớn như Toyota Motor Corp đã thương lượng với nội bộ các công đoàn để ấn định mức lương cho năm tài chính sắp tới từ tháng Tư.
Tình trạng thiếu lao động và lạm phát giá tiêu dùng gia tăng, gấp đôi mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Nhật Bản, đang thúc đẩy các công ty thận trọng khi khoản dự trữ tăng lương nội bộ trị giá lên đến 500 nghìn tỷ Yên (3,85 nghìn tỷ USD).
Công ty nghiên cứu tín dụng doanh nghiệp Teikoku Databank cho biết, khoảng 1/4 các công ty Nhật Bản đã cung cấp các khoản trợ cấp lạm phát hoặc có kế hoạch làm như vậy. Các khoản trợ cấp như vậy dao động trung bình từ 6.500 Yên (50 USD) cho các khoản thanh toán hàng tháng đến 54.000 Yên một lần.
Ông Shinichiro Mori - người đã nhận được khoản trợ cấp một lần trị giá 150.000 Yên vào mùa hè năm ngoái từ nhà phát triển phần mềm nhóm Cybozu - cho biết: “Tôi nhận được số tiền này ngay khi chúng tôi sinh đứa con thứ hai. Tôi rất trân trọng số tiền. Chúng tôi đã dùng số tiền đó để mua đồ trẻ em, hóa đơn điện nước và các chi phí sinh hoạt khác".
Tin từ Fast Retailing Co - nhà điều hành chuỗi thời trang Uniqlo – cho biết, sẽ sửa đổi hệ thống trả lương cho nhân viên, với mức tăng tới 40%. Khu vực tư nhân kỳ vọng, những nỗ lực này của các doanh nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, phù hợp với sáng kiến "chủ nghĩa tư bản mới" của Thủ tướng Fumio Kishida về phân phối của cải, trong đó đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tăng lương.
Những vấn đề này phát sinh trong bối cảnh 15 năm giảm phát nặng nề khiến các công ty phải gác lại việc tăng lương cơ bản từ đầu những năm 2000 đến đầu những năm 2010, khi các động thái kích cầu tiêu dùng không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà thay vào đó là nợ công chồng chất.
Tăng lương bền vững
Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, tiền lương của công nhân Nhật Bản đã tăng khoảng 5% trong khoảng thời gian 30 năm kể từ năm 1990, trong đó mức lương của Mỹ tăng 1,5 lần và lương của người Hàn Quốc tăng gấp đôi.
Ông Takahide Kiuchi - cựu thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Nhật Bản - kêu gọi việc tăng lương phải được duy trì theo thời gian để có thể tích lũy, bù đắp cho việc tăng giá trong thời gian dài. Ông Kiuchi - nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura - cho biết thêm: “Tiền thưởng hoặc trợ cấp lạm phát chỉ có tác động xoa dịu, hạn chế những khó khăn cho người lao động do lạm phát, còn để tạo cuộc sống ổn định, vấn đề tăng lương mới mang tính bền vững”.
Chính phủ và ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết, lạm phát phải tăng song song với tăng lương để thúc đẩy tiêu dùng tư nhân. Dữ liệu mới nhất cho thấy, tiền lương thực tế đã giảm 2,5% trong tháng 11/2022, giảm tháng thứ 9 liên tiếp, sau mức giảm 3,8% của tháng trước.
Lãnh đạo công ty Cybozu - nơi của ông Mori làm việc - đã đề nghị tăng lương kỷ lục cho nhân viên ở mức cao nhất từ 1% lên 10% trong năm nay. Điều này vượt mục tiêu 3% của chính phủ Nhật Bản và thậm chí là 5% mà Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) đề ra, trong khi vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của Nhật Bản Keidanren thúc giục các công ty đưa ra mức tăng lương tích cực, bao gồm cả lương cơ bản.
Bà Yumika Nakane - người đứng đầu bộ phận nhân sự của Cybozu - cho biết: “Chúng tôi luôn cảm thấy cần phải giải quyết tình trạng thiếu lao động kỹ sư tay nghề cao. Chúng tôi đặt ra các thang lương vì nhận thức được tiền lương là một trong những yếu tố then chốt để thu hút người lao động”.
Một cuộc thăm dò từ 33 nhà kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JERC) cho thấy, tại các cuộc đàm phán ngầm trong năm nay, các công ty lớn tại Nhật Bản có khả năng đưa ra mức tăng lương cao nhất trong 26 năm qua, hoặc trung bình là 2,85%. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò riêng của Ngân hàng Jonan Shinkin và báo Tokyo Shimbun lại chỉ ra rằng, các công ty nhỏ phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng và hơn 70% trong số họ không có kế hoạch tăng lương,
Để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ đi theo hướng này, các cơ quan chức năng muốn cải thiện năng suất lao động và khuyến khích nhiều công nhân hơn chuyển sang các ngành có triển vọng tăng trưởng tốt hơn, với điều kiện là họ sẽ không thiếu việc làm.
Người lao động đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc đàm phán về lao động năm nay, họ hy vọng sẽ chống lại lạm phát do chi phí đẩy đồng thời giải quyết vấn đề thị trường lao động thắt chặt để giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida có kế hoạch khai thác nguồn nhân lực trị giá 1 nghìn tỷ Yên trong vòng 5 năm tới, cung cấp hỗ trợ mới cho các công ty tuyển dụng lao động trung cấp cũng như nỗ lực đào tạo lại kỹ năng để thúc đẩy doanh thu lao động.