Thay đổi tư duy 'buôn chuyến'

K.Lê 03/02/2023 10:28

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhiều doanh nghiệp (DN) đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận lớn cho cả DN và người nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Những DN xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản là minh chứng rằng, gạo Việt Nam đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc gạo Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) là minh chứng rõ nét nhất. Dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy chúng ta đã thay đổi và khi thay đổi đã tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn. Điều này xuất phát từ người trồng lúa đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản; trong đó có hạt gạo cho từng thị trường.

“Nghiên cứu thị hiếu của thị trường để sản xuất đang là xu thế và là tín hiệu vui mừng, chắc chắn xu thế này không bị đảo ngược. Các DN đã hướng đến những thị trường cao hơn. Tức là tư duy thị trường đã bén rễ, chuyển từ bán cái mình có, sang cái thị trường cần, đồng nghĩa với việc chúng ta không chỉ hướng về chất lượng mà còn hướng về thị hiếu của các thị trường” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Khác trước kia khi có đơn hàng mới bắt đầu thu mua, nay nhiều DN như Lộc Trời, Tân Long, Trung An... thấy rằng cần xây dựng chiến lược thị trường lâu dài. Từ chiến lược thị trường lâu dài đó để liên kết với nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì vậy, tư duy đường dài của DN sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân. Như vậy vai trò của các DN hiện nay đã thay đổi hay nói cách khác, các DN đã thay đổi kiểu “buôn chuyến” sang tư duy về thị trường bền vững, xây dựng chiến lược thị trường lâu dài, liên kết với người nông dân để sản xuất chuẩn hóa ngay từ khâu ban đầu của chuỗi liên kết.

“Cùng với DN, hiện nông dân đang dần ổn định từng vùng nguyên liệu, ví dụ tại An Giang đã có những tập đoàn nào thì những tập đoàn đó đã có hướng dẫn phẩm chất lúa ở mức độ nào. Nghĩa là dần dần hình thành một cách tự nhiên sự liên kết giữa DN và nông dân, hình thành những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài. Tôi nghĩ đó là những điểm được của ngành nông nghiệp, thoát đi việc nông dân tư duy mùa vụ, DN tư duy thương vụ” - ông Hoan nói.

K.Lê