Minh bạch khung pháp lý các dự án BOT

ĐOÀN XÁ 03/02/2023 07:33

TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất về việc thực hiện 6 dự án hạ tầng theo hình thức đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) ở các khu vực cửa ngõ, kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, hầu hết các dự án này là cải tạo, nâng cấp trên cung đường hiện hữu với nhiều trạm thu phí BOT.

Một đoạn quốc lộ 13 dự kiến được mở rộng theo hình thức BOT.

Theo đề xuất của ngành giao thông TPHCM, các dự án hạ tầng sẽ được thực hiện theo hình thức BOT thời gian tới gồm dự án cải tạo quốc lộ 1A hiện hữu. Dự án này sẽ chia làm 3 đoạn (ứng với 3 dự án thành phần) với nguồn vốn gần 13.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn TPHCM dài khoảng 60km hiện đã có một trạm thu phí BOT dành cho dự án cải tạo quốc lộ 1A đoạn từ An Sương tới An Lạc. Kế đó là dự án cải tạo quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương tới đường Vành đai 3 có vốn khoảng 1.200 tỷ đồng, dự án cải tạo quốc lộ 13 với số vốn khoảng 12.190 tỷ đồng, dự án xây đường song hành với quốc lộ 50 có vốn khoảng 3.816 tỷ đồng cùng 2 dự án xây dựng trục Đông - Tây (có vốn gần 14.000 tỷ đồng), trục Bắc - Nam có vốn hơn 54.200 tỷ đồng. Tổng toàn bộ nguồn vốn của 6 dự án trên là khoảng 97.000 tỷ đồng.

Một số chuyên gia giao thông đã lên tiếng ủng hộ đề xuất thực hiện các dự án theo hình BOT này. Theo PGS.TS Chu Công Minh (ĐH Bách khoa TPHCM) thì không thể có nguồn ngân sách nào đủ để thực hiện tất cả các dự án hạ tầng giao thông theo nhu cầu, nhất là trên địa bàn TPHCM cần nhiều hạ tầng. Ngoài ra ông Minh cũng cho rằng nên minh bạch khung pháp lý các dự án BOT để thu hút nhà đầu tư khi nguồn ngân sách eo hẹp mà nhiều dự án cấp bách cần thực hiện.

Trong khi đó, theo một số ý kiến khác, việc thực hiện các dự án theo hình thức BOT một cách đồng loạt ở những trục đường cửa ngõ có lưu lượng phương tiện lớn, nhiều phương tiện qua lại khó khả thi. Nhiều trục đường có vị trí gần như độc đạo. Cộng thêm những trạm BOT hiện hữu đang có sẽ dẫn tới tình trạng dù di chuyển bất cứ trục đường nào ra vào TPHCM cũng đều gặp các trạm thu phí, gây áp lực lớn lên chủ phương tiện, doanh nghiệp và người dân tham gia lưu thông.

Cần lưu ý thêm rằng, khoảng 5 năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng từng được phê duyệt theo hình thức này đã phải hủy bỏ và chuyển đổi hình thức đầu tư. Tiêu biểu nhất là loạt dự án hạ tầng xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã chuyển từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trên địa bàn TPHCM cách đây ít tháng cũng đã phải tạm dừng, chuyển đổi một số dự án BOT sang hình thức đầu tư khác. Đó là các dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý, dự án cầu đường Bình Triệu 2, mở rộng các tuyến đường quanh bến xe miền Đông cũ...

Ngoài ra, một số dự án đang thực hiện theo hình thức BOT ở địa bàn TPHCM cũng rơi vào cảnh “mắc kẹt” mấy năm qua. Trong đó đáng kể là dự án Cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc. Dự án khởi công năm 2015, đã hoàn thành thi công nhiều hạng mục, trong đó có cầu sắt Bình Lợi mới nhằm nâng độ tĩnh không các phương tiện đường thủy. Tuy nhiên, tới nay dự án đã tạm dừng nhiều năm, do vướng mắc thủ tục pháp lý để thu phí phương tiện đường thủy và chủ đầu tư muốn chuyển đổi hình thức đầu tư (có đề xuất thanh toán quỹ đất). Hay như dự án đường nối từ Võ Văn Kiệt tới cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 2,7km với nguồn vốn khoảng 1.550 tỷ đồng khởi công năm 2015 và dự kiến hoàn thành năm 2017. Tới nay dự án vẫn dang dở, bỏ hoang sau khi thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng và thi công một số trụ bê tông. TPHCM sau đó đã chấm dứt hợp đồng BOT với chủ đầu tư dự án này nhưng giải quyết hậu quả, gồm cả việc chi trả tiền vốn cho chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành.

Hình thức đầu tư BOT với các dự án hạ tầng là một phương thức đầu tư cần thiết, nhất là bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp. Tuy nhiên, việc chọn lựa nhà đầu tư, dự án thực hiện và phương thức thu hồi vốn là điều cần cân nhắc bởi những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư theo hình thức này đã gặp khó, khiến chủ đầu tư không thể thu hồi vốn, người dân không có hạ tầng sử dụng và chính quyền địa phương cũng phải thay đổi thủ tục để tìm lối thoát.

ĐOÀN XÁ