Dựng 'hàng rào' chặn tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm

Ngọc Mai 03/02/2023 09:24

Tại thời điểm này, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2901V là đơn vị mới nhất bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 13 bị can để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”.

Trung tâm Đăng kiểm 50-03V (Thủ Đức, TPHCM).

Trong 13 bị can có 3 bị can là lãnh đạo Trung tâm 2901V gồm: Lê Văn Ngân - Giám đốc; Tăng Xuân Huy và Vũ Mạnh Hiền cùng là Phó Giám đốc. Các bị can còn lại đều là đăng kiểm viên tại Trung tâm.

Quá trình điều tra bước đầu, Công an huyện Thanh Trì xác định Trung tâm 2901V làm việc 5 ngày (từ thứ 2 đến thứ 6) và sáng thứ 7 trong tuần. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm này kiểm định khoảng 60 đến 70 phương tiện. Số lượng phương tiện đến đăng kiểm mỗi ngày khác nhau, số tiền thu trái quy định của mỗi phương tiện khác nhau, trung bình mỗi ngày các đối tượng thu lợi bất chính khoảng từ 6-8 triệu đồng.

Công an huyện Thanh Trì cũng xác định được cuối mỗi ngày, các đối tượng tập hợp tiền thu lợi bất chính chia cho toàn bộ ban giám đốc, cán bộ, nhân viên của Trung tâm theo tỷ lệ 20% tổng số tiền đưa Lê Văn Ngân (Giám đốc) làm chi phí “đối ngoại”; 1 triệu đồng đưa vào quỹ (nếu ngày nào ít hơn 50 xe không phải trích số tiền này vào quỹ) dùng cho các công việc của đơn vị như lễ, Tết, nghỉ mát, thanh tra...

Sau khi trừ các khoản chi phí trên, số tiền còn lại được chia thành 51 phần bằng nhau và chia theo tỷ lệ: Giám đốc nhận 5 phần/người; Phó giám đốc nhận 4 phần/người; đăng kiểm viên nhận 3 phần/người, nhân viên văn phòng, kế toán và bảo vệ nhận 1 phần/người.

Trước đó, ngày 30/1, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can tại Trung tâm Đăng kiểm 2915D. Trong đó, Đinh Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hiệp Hà; Phạm Chí Công - Giám đốc Trung tâm; Đỗ Tiến Đức và Trần Văn Điềm cùng là đăng kiểm viên; Lưu Thị Hà - nhân viên nghiệp vụ.

Theo điều tra ban đầu, cơ quan Công an phát hiện Trung tâm Đăng kiểm 2915D thuộc Công ty TNHH Hiệp Hà có hành vi nhận tiền hối lộ của các chủ phương tiện để bỏ qua các lỗi về đăng kiểm đối với các phương tiện không đủ tiêu chuẩn về hệ thống phanh và khí thải bảo vệ môi trường. Đối tượng đã gặp riêng chủ phương tiện yêu cầu đưa từ 200.000 - 300.000 đồng để làm thay đổi kết quả kiểm định. Sau khi nhận tiền, đối với lỗi phanh, các đăng kiểm viên thực hiện cài số lùi để máy đo hiện kết quả đạt yêu cầu. Đối với lỗi tiêu chuẩn khí thải, đăng kiểm viên sẽ che “mắt cảm biến khí thải” để máy xác nhận đạt tiêu chuẩn.

Cho tới thời điểm này, cả nước đã có gần 100 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án “môi giới hối lộ,” “đưa hối lộ,” “nhận hối lộ” và “giả mạo trong công tác” xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TPHCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh, Hà Nội và Bắc Giang. Trong đó, đáng chú ý, ngày 11/1, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Tại buổi họp giao ban mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Không để xảy ra tình trạng “thích thì mở”, mở tràn lan trung tâm đăng kiểm; phải có “hàng rào” ngăn chặn tiêu cực. Ông Thắng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam đẩy nhanh rà soát các văn bản quy định pháp luật liên quan hiện hữu; xem cái gì cần phải mở, cái gì phải siết.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đăng Kiểm Việt Nam, hiện tại có 31 đơn vị đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động; trong đó Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 11 trung tâm, TPHCM 6 trung tâm, Thái Bình 2 trung tâm… Ông Hải cũng cho biết, trong tháng 2 này, Cục Đăng kiểm sẽ vẫn tiếp tục duy trì các giải pháp cấp bách, đảm bảo ổn định trong hoạt động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Đối với các trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, nếu được chấp thuận, Cục sẽ điều động các đăng kiểm viên tại các đơn vị khác đến thực hiện công tác chuyên môn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thông tin từ cơ quan chức năng, sơ bộ ước tính tới nay có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng. Một số trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới.

Ngọc Mai