“Ngông” như ông Phạm Văn Biển
Không quá lời để gọi đó là “ngông”, bởi một người đàn ông ở Cà Mau đang có công ăn, chuyện làm ổn định với mức thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng. Vậy mà, đùng một cái, ông bỏ việc về quê để “làm lại từ đầu”.
Ông Phạm Văn Biển (50 tuổi, ngụ xã An Xuyên, TP Cà Mau) là một con người như thế, dám nghĩ, dám làm là tính cách của người đàn ông này. Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết, ông Biển từng làm giám đốc một doanh nghiệp, có mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Đấy là điều mơ ước của bao người ở vùng quê. Vậy mà, ông quyết định từ bỏ tất cả để về quê, mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau thuỷ canh trong sự ngỡ ngàng của bao người. Chỉ đến khi, mô hình của ông Biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì bấy giờ người dân địa phương mới nể phục sự mạnh dạn, quyết đoán của ông Biển.
Chia sẻ về quyết định có phần “mạo hiểm” của mình, ông Biển cho biết, từ nhỏ đến lớn ông chưa bao giờ làm công việc của một người nông dân. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật công nghệ TP HCM, ông Biển tham gia công tác tại bưu điện. Về sau, đơn vị này tách ra, ông Biển được điều động về làm việc tại VNPT huyện Đầm Dơi và giữ chức vụ giám đốc với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. “Tôi chưa từng làm công việc đồng áng, nhưng lại có niềm đam mê lạ thường với nông nghiệp”, ông Biển tâm tình.
Lý do nghỉ việc làm của một giám đốc của ông Biển là muốn có nhiều thời gian chăm sóc cha mẹ già và con nhỏ. Sau khi khăn gối về quê, ông Biển bắt đầu mày mò học hỏi kinh nghiệm, cách trồng rau thủy canh thông qua các phương tiện thông tin xã hội. Đồng thời, ông Biển tìm hiểu về thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Nhận thấy người tiêu dùng đang rất chuộng nông sản sạch nên ông Biển quyết định đầu tư gần 2 tỉ đồng làm nhà màng, hệ thống tưới, giá thể... để trồng các loại rau như cải xà lách, tía tô...
Theo lời ông Biển, sau khi ươm giống khoảng 10 ngày thì cho cây con lên giàn trồng. Sau đó, chăm sóc thêm một khoảng thời gian nhất định thì thu hoạch. Các loại rau sau khi thu hoạch sẽ được đóng gói bán cho siêu thị, các bạn hàng tại các chợ đầu mối ở TP Cà Mau với giá trên 30.000 đồng/kg (tùy loại). Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Biển có lãi khoảng 100 triệu đồng/tháng.
“Trồng rau thủy canh là một công việc rất nhàn, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, việc bỏ ra số tiền lớn để đầu cùng một lúc đã gây khó khăn cho nhiều người. Tôi thấy yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của mô hình là tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi trồng được rau mà không bán được và không mang về lợi nhuận thì coi như thất bại”, ông Biển nhận định.
Mỗi tháng, cơ sở trồng rau sạch của ông Biển cung ứng ra thị trường hơn 4 tấn rau các loại. Dự kiến, trong thời gian tới, ông Biển sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm có những ai có nhu cầu để cùng phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau đánh giá mô hình trồng rau thủy canh của ông Biển là một cách làm hay, mang đến hiệu quả cao. “Nông sản sạch được bán với giá khá cao nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua về chế biến thức ăn với mong muốn đảm bảo sức khỏe. Địa phương sẽ nhân rộng mô hình này đến các hộ dân bởi nhu cầu về mặt hàng này là rất lớn”, bà Thùy nói.