Thế hệ GenZ - Cần biến ChatGPT thành một người đồng hành trong công việc
Theo Ths Ngô Hữu Thống cho rằng, người trẻ không nên quá lo sợ sẽ bị mất việc bởi nhu cầu thị trường lao động đã thay đổi, các nhà tuyển dụng đang rất “khát” những lao động có khả năng làm chủ công nghệ số.
Một con chatbot biết học hỏi và tiếp thu kiến thức mới
Cơn sốt về siêu Al ChatGPT trong mấy ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi càng ngày lượng người truy cập và sử dụng vẫn luôn tăng đều.
Đặc biệt, lớp trẻ ngày nay - thế hệ tiếp xúc trực tiếp với Internet trong thời gian dài càng cảm thấy thích thú hơn trước một ứng dụng "biết tuốt" và có khả năng tạo ra những bài viết như soạn thảo sơ yếu lý lịch, làm thơ và hoàn thành bài tập về nhà chỉ trong vài giây.
Qua đó, trên hàng loạt các trang cộng đồng thuộc mọi lĩnh vực social, hình ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện với ChatGPT xuất hiện dày đặc.
Mặc dù chưa chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên hiện tại, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ đã bắt đầu thử trải nghiệm phiên bản Beta của ứng dụng này. Bạn Duy Anh (21 tuổi, Nam Định), hiện đang là sinh viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân, người đã sớm tải ứng dụng này kể từ khi mới ra mắt cho biết: "Mình được anh trai bên Mỹ chỉ cho về con chatbot này và bắt đầu sử dụng từ đợt cuối tháng 12 năm ngoái. Để đánh giá nhanh thì đây chính là một trong những Chatbot thông minh nhất mà mình từng được trải nghiệm".
Duy Anh chia sẻ: "Mình đã từng thử để cho ChatGPT làm thử một câu đơn giản về lý thuyết trong bài luận văn của mình và rất ngạc nhiên khi đáp án đưa ra gần như đúng tới 98% những kiến thức mình đã được học".
Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối với Duy Anh là việc con chatbot này có thể giải thích từ vựng và hiểu cả nghĩa bóng. Đặc biệt nó cũng học cả văn hoá biểu đạt từ vựng.
Duy Anh nhận xét: "Dần dần siêu Al này chắc có thể vượt qua được cả từ điển tiếng Việt vì nó có thể giải thích từ ngữ như một nhà nhân chủng học và là một tổ chức sống, học hỏi và liên tục tiếp thu những kiến thức mới. Và mình luôn coi đây là một người bạn để cùng đồng hành trên con đường học tập và sự nghiệp trong tương lai".
Không phải lúc nào cũng chính xác
Việc những gì OpenAl và ChatGPT làm được hiện tại nhiều người đã cùng kiểm chứng và công nhận, tuy nhiên vẫn còn những nhược điểm mà ứng dụng này đang vấp phải. Dự trên trải nghiệm cá nhân, bạn Duy Thanh (23 tuổi), cưu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: "Ứng dụng này vẫn còn mới nên cá nhân mình thấy các câu trả lời còn chưa đa dạng. Từ ngữ dùng vẫn khá cứng nhắc. Các thông tin AI đưa ra đôi khi chưa chính xác".
Dùng ChatGPT là trợ lý có thể tiết kiệm được nhiều thời gian hơn Google. Nhưng dữ liệu của ChatGPT về Việt Nam còn thiếu nhiều. Với những câu hỏi yêu cầu nhiều thông tin thì thường chưa trả lời được hoặc trả lời chung chung.
"Ngoài ra con AI này còn học từ người dùng, nên nếu người dùng dạy sai nó thì nó cũng học sai luôn. Ví dụ: 1+1=2 nhưng người dùng dạy nó là 1+1=3 thì nó sẽ trả lời là bằng 3. Có nghĩa con AI này chưa thực sự kiểm duyệt được độ chính xác của kiến thức nó thu nạp", Duy Thanh nhận xét.
Mặc dù vậy, Duy Thanh cũng nhận định, ứng dụng này hiện vẫn chỉ là bản thử nghiệm, mà mức độ cập nhật thông tin cũng đã khá chính xác, do đó cậu kỳ vọng ChatGPT sẽ ngày càng cải thiện tốt hơn trong tương lai.
Một người bạn khác tên Vũ Trang (21 tuổi), là người sáng tạo nội dung tại một công ty truyền thông trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, khi sử dụng ChatGPT, bạn có cảm giác như đang giao tiếp với một người bạn thông thái và thể hiện sự quan tâm không khác gì một người thật.
"Tuy không có cảm xúc như một con người thật, tuy nhiên, công cụ này lại biết cách trả lời sao cho người nghe không cảm thấy bị hụt hẫng”, Trang chia sẻ sau khi trải nghiệm với ChatGPT.
Nhưng dù trả lời hay là thế, tuy nhiên Trang cũng có nhiều lần "dở khóc dở cười" với ứng dụng này trước các câu hỏi thường ngày mà bạn đặt ra.
Theo Vũ Trang, mặc dù ChatGPT được nhiều người nói là có thể làm thơ, viết văn, tuy nhiên ngôn từ của chatbot này còn hạn chế và có phần ngây ngô, nên đưa ra những câu trả lời không chuẩn xác. Về lịch sử, mình đã thử hỏi danh sách các phim về chiến tranh Việt Nam thì ChatGPT trả lời rất nhanh nhưng toàn về phim của Mỹ".
Đâu mới là điều cần thay đổi?
Trước trải nghiệm từ các bạn trẻ, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho rằng, hiện vẫn cần thời gian cho những đánh giá nghiêm túc, hệ thống, bài bản hơn. Hơn thế nữa ChatGPT hiện mới là phiên bản thử nghiệm (beta) và mô hình ngôn ngữ cũng như hệ thống sẽ còn được cập nhật.
Trong khi đó, Thạc sĩ Ngô Hữu Thống (Nhà tư vấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số) cho rằng, người lao động trẻ cần phải nhận ra xu hướng chung hiện nay và trong tương lai là sự “nở rộ” của các ứng dụng chuyển đổi số ngày càng thông minh hơn, tham gia sâu vào đa ngành nghề, đa lĩnh vực.
Nói về mối lo siêu trí tuệ Al sẽ chiếm lĩnh nhiều thị trường và công việc trong tương lai, Ths Ngô Hữu Thống cho rằng, người trẻ không nên quá lo sợ sẽ bị mất việc bởi nhu cầu thị trường lao động đã thay đổi, các nhà tuyển dụng đang rất “khát” những lao động có khả năng làm chủ công nghệ số.
“Để không bị bỏ lại phía sau trong thị trường lao động mới, người trẻ cần phải chủ động trang bị và làm chủ các kỹ năng số mà trong đó 3 trụ cột chính là: Tư duy số (khả năng tổng quát, tự tin xử lý các vấn đề liên quan đến dữ liệu và phân tích số liệu); sử dụng tốt các công cụ số (như ChatGPT); vận dụng công cụ số vào giải quyết các bài toán thực tiễn”, Ths Thống nhấn mạnh.
Hiện tại, hầu hết nội dung ChatGPT vẫn chỉ viết về học thuật mới là "văn mẫu" chứ chưa có sự sáng tạo mới nên có thể sử dụng như một trợ lý để tiết kiệm thời gian. Do đó, để có thể trở lên tốt hơn trong tương lai, con người nên biết ứng dụng và vận hành Al một cách hiệu quả, biến nó trở thành một trợ lý đắc lực của bản thân.