Nam Định: Sẽ di dời cơ sở ngành nghề không khuyến khích phát triển, gây ô nhiễm ra khỏi làng nghề
Đây là một trong những “biện pháp” vừa được chính quyền Nam Định chỉ đạo áp dụng nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Ngày 3/2, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng ký cùng ngày, gửi các sở ngành liên quan và UBND 10 huyện, thành phố trong tỉnh, về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Xã có làng nghề nhưng chưa lập phương án BVMT
Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định đánh giá thời gian qua, từ sự thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn của UBND tỉnh; các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, công tác BVMT tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Nam Định, đến nay công tác BVMT tại các làng nghề của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, một số xã có làng nghề chưa lập và trình phê duyệt phương án BVMT theo quy định; hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề phát triển tự phát, manh mún, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; nguồn vốn có hạn nên việc đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất cũng như đầu tư cho công tác BVMT, xử lý chất thải còn khó khăn; nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa, chưa có biện pháp xử lý nước thải, khí thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường, chưa có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu…
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT làng nghề, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện một loạt các nhiệm vụ theo quy định của Luật BVMT.
Trong đó, phải chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã/phường/thị trấn lập và trình UBND huyện phê duyệt phương án BVMT làng nghề, làm căn cứ để triển khai các hoạt động BVMT làng nghề.
“Rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất và công tác BVMT của các làng nghề trên địa bàn; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất trong làng nghề. Chỉ đạo việc thành lập và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề”, văn bản dẫn ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; thêm rằng: “Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề; trong đó các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp BVMT theo quy định”.
Đặc biệt, chính quyền tỉnh chỉ đạo chính quyền cấp huyện phải: “Rà soát cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề; cơ sở hộ gia đình không thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề”.
Đồng thời, rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, bố trí phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch của địa phương để xây dựng các Cụm công nghiệp làng nghề gắn với BVMT để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
Thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế cho phù hợp với điều kiện hoạt động của từng làng nghề.
Chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, công bố danh sách tất cả các làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển và làng nghề gây ô nhiễm môi trường.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối chuỗi sản xuất-tiêu thụ các sản phẩm làng nghề trong và ngoài nước.
“Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề”, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo sở chuyên ngành.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải hướng dẫn thực hiện quy định trách nhiệm về BVMT làng nghề, trong đó tập trung vào làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm làng nghề; tham mưu giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
“Phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề”, văn bản dẫn ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; thêm rằng: “tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện của các địa phương và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo quy định”.
Hướng tới giải pháp căn cơ hơn, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề gắn liền với BVMT để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Hướng dẫn kiểm tra an toàn sử dụng hóa chất của các cơ sở sản xuất hoạt động trong làng nghề, nhất là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Phối hợp UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trong làng nghề.
Đối với Công an tỉnh, UBND Nam Định chỉ đạo phải tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất trong làng nghề.
Sở Khoa học và Công nghệ phải rà soát, xem xét, đánh giá các công đoạn, quy trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề; lựa chọn các cơ sở sản xuất, công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại, giảm thiểu chất thải, không gây ô nhiễm môi trường để áp dụng, trình diễn, công bố, nhân rộng trong hoạt động sản xuất của làng nghề.
Sở Tài chính tham mưu phân bổ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho hoạt động BVMT làng nghề. Tập trung đầu tư xây dựng công trình BVMT, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT cho các làng nghề đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cơ chế chính sách, phân bổ nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT cho làng nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát quy hoạch chung xã của các huyện, thành phố đảm bảo phát triển các làng nghề bền vững về cảnh quan, môi trường.
Các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về BVMT.
Mặt trái của làng nghề
Được biết, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, Nam Định là tỉnh có rất nhiều làng nghề truyền thống. Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương, toàn tỉnh hiện có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, có cả những làng nghề có lịch sử hình thành, phát triển gần 1000 năm.
Bên cạnh những mặt tích cực, những đóng góp hiệu quả vào đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa ở địa phương, vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, vấn đề nổi cộm, nhức nhối kéo dài của nhiều làng nghề truyền thống ở Nam Định (tái chế nhôm Bình Yên (Nam Trực), sơn mài Cát Đằng (Ý Yên), rèn Vân Chàng (Nam Trực…) là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Một trong những điển hình về ô nhiễm môi trường ở Nam Định là làng nghề tái chế nhôm Bình Yên ở xã Nam Thanh, huyện Nam Trực. Với khoảng gần 300 hộ hành nghề tái chế nhôm, mỗi ngày các hộ dân ở làng nghề này thải ra môi trường khoảng 4-5 tấn chất thải rắn nguy hại, 500 m3 nước thải chứa hóa chất tẩy rửa. Hệ lụy là từ nhiều năm nay môi trường ở làng nghề này bị tàn phá không thương tiếc.
Để “cứu vãn”, cách này gần 20 năm, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt, cho triển khai tại đây một dự án khắc phục ô nhiễm, cải tạo môi trường với số vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng, tập trung vào công tác tuyên truyền; cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải nguy hại, đất bị ô nhiễm; xây dựng một trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, dự án được đánh giá không mang lại nhiều hiệu quả, trên thực tế cho đến nay làng nghề tái chế nhôm Bình Yên vẫn đang là “địa chỉ đỏ” về ô nhiễm môi trường ở Nam Định.
Cùng hướng đến mục đích phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, từ hơn 20 trước, Nam Định là tỉnh tiên phong trong việc hình thành một số Cụm công nghiệp làng nghề (như Cụm công nghiệp Xuân Tiến-Xuân Trường; Cụm công nghiệp Đồng Côi, Vân Chàng -Nam Trực, Cụm công nghiệp cơ khí Quang Trung-Vụ Bản…). Tuy nhiên, thực tế cho thấy các Cụm công nghiệp làng nghề “đời đầu” ở Nam Định sau đó đã bị biến thành các khu tái định cư trá hình của các hộ dân, cơ sở sản xuất trong làng nghề.
Đây là vấn đề cần được chính quyền Nam Định nhìn nhận lại khi triển khai kế hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề mới.