Xoài ghép trái vụ 'lên ngôi'
Không chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật để ghép cải tạo 2 giống xoài, nông dân xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai còn chuyển hướng sang trồng xoài trái mùa cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Dũng (ấp Trung Tín, xã Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai) được biết đến là một trong những lão nông tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng xoài của huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, ông Dũng là người khá thành công khi dám nghĩ đến chuyện ghép cải tạo giống xoài cát Bưởi với xoài cát Hòa Lộc cho năng suất cao.
Chỉ vào những gốc xoài trong vườn, ông Dũng cho biết, những gốc này đều là xoài cát Hòa Lộc được ghép với xoài Cát Bưởi sẽ cho trái vào tháng 4. “Đa số xoài trong vườn nhà đều đang được trồng trái vụ” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, xoài trồng trái vụ canh tác sẽ khó khăn hơn trồng chính vụ. Trong đó, khó nhất là kỹ thuật làm bông. Theo đó, từ tháng 5-6 dương lịch, nông dân phải căn độ thời tiết để cắt hết chồi non, để các cành cho ra chồi mới, sau đó sử dụng kỹ thuật kích thích cây ra bông, khi bông trổ cũng phải giữ để bông làm trái. Thông thường 1 bông cho đậu từ 2-3 trái. Năm nay do thời tiết bất thường nên vườn xoài cát Hòa Lộc cho trái ít hơn mọi năm. Tết vừa rồi, gia đình ông Dũng thu hoạch được gần 5 tấn xoài, giá thương lái mua tại vườn bao tiêu là 50 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với vụ mùa.
Hiện nay, nông dân trồng xoài ở xã Xuân Trường phần lớn là canh tác trái vụ. Để phát triển bền vững, dưới sự hỗ trợ của các cấp, nhiều nông dân đã thành lập HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường với 15 thành viên. Việc chọn canh tác xoài trái vụ vừa tạo thu nhập cao, vừa tạo được sản phẩm đặc thù cho địa phương. Không chỉ bán ra thị trường trong tỉnh, xoài cát Hòa Lộc của xã Xuân Trường còn được thương lái mua thông qua các kênh trung gian để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc.
Ở xã Xuân Trường trước đây chủ yếu là trồng xoài cát Bưởi hay còn gọi là xoài ba mùa, cho giá trị kinh tế thấp. Có những thời điểm nông dân chán nản muốn chặt bỏ cây xoài để chuyển sang trồng cây khác. Gắn bó với cây xoài gần 20 năm nay, người nông dân nơi đây đau đáu về việc làm sao để hiện thực hóa giấc mơ tạo ra những giống xoài mang lại giá trị cao. Và việc ghép giống xoài cát Hòa Lộc trên thân cây xoài cát Bưởi đã biến giấc mơ của người dân xã Xuân Trường thành hiện thực.
Nhiều nông dân ở xã Xuân Trường đều khẳng định về hiệu quả của cây xoài ghép. Cụ thể, sau khi ghép, chồi xoài phát triển nhanh trên gốc mẹ vì hút được nhiều dưỡng chất và có sức đề kháng dồi dào. Quan trọng nhất là đã khắc phục được hai điểm yếu nhất của người trồng xoài đó là việc nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu quả cũng như khả năng đối phó sâu bệnh.
Ngoài việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ghép xoài, nông dân Xuân Trường hiện còn ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm gắn với hệ thống hòa phân tự động, công nghệ Israel nhằm giúp giảm lượng nước, giảm công lao động, qua đó giảm nhiều chi phí so với trước đây chăm sóc theo kiểu thủ công. Việc tưới tiêu đều đã được thực hiện thông qua hệ thống được cài đặt trên máy điện thoại thông minh. Để đảm bảo cho trái khi ra thị trường có mẫu mã đẹp, nông dân trồng xoài còn sử dụng biện pháp bao trái. Kỹ thuật này còn giúp giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế bị nám do nắng, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Lương Minh Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, xoài đã trở thành loại cây trọng điểm trong phát triển nông nghiệp của địa phương với khoảng 100ha. “Cây xoài cát Hòa Lộc đang cho thu nhập khá cao. Chúng tôi đang cố gắng để mở rộng diện tích loại cây này. Xã cùng với hội nông dân, các ban, ngành của huyện cũng mời gọi các doanh nghiệp chuyên về bao tiêu để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, tránh để nông dân rơi vào tình trạng được mùa mất giá” - ông Tân nói.
Việc ghép cải tạo 2 giống xoài cát Bưởi và xoài cát Hòa Lộc kết hợp với chuyển đổi sang canh tác trái vụ không những cho năng suất, chất lượng ổn định mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng xoài ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. Đây cũng có thể xem là một trong những hướng đi phù hợp cho bà con nông dân để có thể thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá”.