Hóa giải áp lực lạm phát

H.Hương-P.Vân 04/02/2023 07:00

Năm 2023, áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam đến từ nhiều yếu tố. Để giữ ổn định vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, cần nhiều giải pháp “hóa giải”, trong đó rất cần sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhà quản lý cần chủ động các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá để có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% trong năm nay. Ảnh: Quang Vinh.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ hơn, nhất là tại các nền kinh tế lớn. Thị trường tài chính, tiền tệ của các nước đang phát triển đối mặt với nhiều rủi ro. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán… tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.

Nhiều yếu tố tác động tới lạm phát

Trong nước, nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, không thể chủ quan với lạm phát.

Đặc biệt giá điện trong nước đã bị kìm giữ không tăng trong mấy năm qua, trong khi giá than, giá khí dùng trong sản xuất điện tăng cao, cơ cấu nhiệt điện, điện khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện phát ra. Vì vậy, dự báo trong năm 2023 giá điện có thể tăng cao.

Nếu tăng giá điện trong năm 2023 sẽ tạo áp lực lên lạm phát do tăng chi phí sản xuất và chi tiêu dùng cuối cùng, đồng thời làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.

Ngày 11/11/2022 Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 lương cơ sở tăng từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng tương ứng mức lương cơ sở mới sẽ tăng thêm 20,8% sẽ tác động làm lạm phát tăng 0,67%.

Tuy nhiên, năm 2022, lạm phát tại Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu là 4% và khá thấp nếu so sánh với các nước phát triển. Song, theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt mức 8,02% nhưng tính trung bình giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4,52%, tức thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng khoảng 6-6,5%.

Thêm nữa, mặc dù mặt bằng giá cả trong nền kinh tế năm 2022 chịu tác động tiêu cực từ xu hướng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao nhưng Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát lạm phát nhập khẩu, bao gồm: ổn định tỷ giá USD/VND (chính sách tiền tệ) và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (chính sách tài khóa). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND cũng được kiểm soát với mức mất giá khoảng 2,2%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và trong khu vực.

“Chính sự thành công của chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát cung tiền, lãi suất hợp lý có thể đảm bảo lạm phát dài hạn ổn định” - ông Lệnh nhấn mạnh và đánh giá trong thời gian tới lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023. Lạm phát trung bình trong năm 2023 có thể sẽ xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%, thậm chí dưới 4% là khả thi.

Năm 2023, dự báo xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả

Để kiểm soát lạm phát, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trước mắt Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng tổng cầu tăng, giảm áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, phù hợp giữ ổn định vĩ mô; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt để hạn chế tối đa nhập khẩu lạm phát đồng thời giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.

Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. Dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng, cộng đồng DN cần chủ động chuẩn bị các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt trong ngắn hạn để có giải pháp nhập khẩu kịp thời, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các loại nguyên vật liệu thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.

DN cần đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Ngoài ra, Bộ Công thương cần có kế hoạch, giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, Bộ Công thương nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với lộ trình tăng giá điện, trước hết phải đánh giá tác động đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá điện, giá các loại dịch vụ do nhà nước quản lý, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế…

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, để kiểm soát thành công lạm phát năm 2023 theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao. Cùng với đó, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ do nhà nước quản lý trong năm 2023 cần được xem xét điều chỉnh vào các thời điểm thích hợp với mức độ hợp lý.

Nhận định về lạm phát năm 2023, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn bởi các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12-2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng liền trước.

Tiếp tục thích ứng với các biến động kinh tế - xã hội

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với trạng thái vừa chung sống với dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và sẽ tiếp tục thích ứng với các biến động kinh tế, xã hội trong năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua có xu hướng tăng cao. Để hỗ trợ các DN hồi phục và phát triển, Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp cung ứng vốn giá rẻ với thời gian tương đối dài cho các ngân hàng thương mại, cùng với các yêu cầu để các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí nhằm ổn định và hạ thấp mặt bằng lãi suất.

H.Hương-P.Vân