Tưng bừng hội Xuân Tây Yên Tử
Sau thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh, lễ hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 đã được tái khởi động với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc thu hút đông đảo người dân và khách thập phương về trảy hội. Đây cũng là dịp để Bắc Giang quảng bá, phát huy những giá trị di sản văn hóa, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.
Vùng đất cổ lưu giữ nhiều giá trị
Bắc Giang từ lâu được biết đến là vùng đất cổ còn lưu giữ những giá trị văn hóa, di sản phong phú. Nơi đây đã được thiên nhiên ban tặng những thắng cảnh tuyệt đẹp. Đó là những điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hóa.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 2.237 di tích. Trong đó, 5 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 94 di tích cấp quốc gia và 620 di tích cấp tỉnh; tiêu biểu là các di tích: Chiến thắng Xương Giang; Khởi nghĩa Yên Thế; An toàn khu II Hiệp Hòa; chùa Vĩnh Nghiêm - chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nơi lưu giữ 3.050 mộc bản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Bên cạnh đó, văn hóa dân gian của Bắc Giang có dân ca Quan họ, Ca trù, hát Then được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với vị trí địa lý, cảnh quan núi cao, rừng sâu, thiên nhiên kỳ thú, hội tụ khí thiêng rất phù hợp với việc dựng chùa, tu thiền, giác ngộ đạo pháp, xứng đáng là vùng đất linh thiêng, là chốn Tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - dòng thiền thuần Việt, tiêu biểu cho bản sắc văn hoá và ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện tỉnh đang phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương thống nhất việc lập Hồ sơ đề cử Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Di sản khi được công nhận sẽ là điều kiện tốt cho việc thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực.
“Xác định phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh đã tập trung xây dựng hình thành không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp” của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Bởi Tây Yên Tử có vị trí đắc địa để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng. Có thể thấy rằng, bức tranh du lịch Bắc Giang những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, thu hút đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch; tôn tạo, chống xuống cấp tài nguyên du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ du lịch” - ông Sơn cho biết.
Phát huy các giá trị
Lễ hội xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, nhằm tiếp nối, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023 là chương trình “Đêm nhạc Phật” với chủ đề Vĩnh Nghiêm - Hào quang trí huệ, lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm. Chương trình “Đêm nhạc Phật” được tổ chức theo hình thức mới lạ, đặc sắc, thông qua các tác phẩm âm nhạc giới thiệu về thân thế, sự nghiệp cũng như quá trình giác ngộ của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự hình thành, phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong đời sống tâm linh và Phật giáo Việt Nam; khẳng định vị thế của chùa Vĩnh Nghiêm trong Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Tiếp đó là lễ rước Mộc bản “Cư Trần lạc đạo phú” (tác phẩm của Phật hoàng Trần Nhân Tông) từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng Tây Yên Tử. Lễ rước đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là lễ rước theo nghi thức Phật giáo lớn nhất Việt Nam.
Ông Mai Sơn nhấn mạnh: Sự kiện khai mạc Lễ hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch sẽ được tỉnh Bắc Giang tổ chức hằng năm. Chúng ta tin tưởng rằng Lễ hội Xuân Tây Yên Tử sẽ trở thành ngày hội lịch sử văn hóa tiêu biểu, ngày càng được tổ chức trang trọng, ấn tượng. Đây là nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng, là biểu tượng cao đẹp về giá trị lịch sử và văn hóa, thể hiện vẻ đẹp thăng hoa của trí tuệ, đạo đức, cốt cách, bản lĩnh, tâm hồn và niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên con đường hội nhập và phát triển vươn tới tương lai.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hóa; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đặc biệt là sản phẩm du lịch độc đáo “Về miền đất thiêng Tây Yên Tử” gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp” của các Phật Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
“Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2023 là sự kiện hết sức có ý nghĩa và cần thiết, sớm đưa du lịch Bắc Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh” - ông Cương nói.
Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm có giá trị không chỉ đối với Việt Nam mà cả quốc tế. Với ý nghĩa đó, hiện ba tỉnh, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng, bổ sung hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”, hoàn thiện trình cấp thẩm quyền đề nghị UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định các giá trị văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng cho ba địa phương.