Vụ Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm: Tiếp tục điều tra bổ sung

LÊ ANH 04/02/2023 07:00

Trong cả 2 lần trả hồ sơ và đề nghị điều tra bổ sung liên quan đến hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Phương Hằng, Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) TPHCM cho rằng, còn chưa rõ một số hành vi cá nhân có nội dung thông tin xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Lực lượng chức năng bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng.

Khi trả hồ sơ lần thứ 2 vào ngày 2/2, VKS đề nghị Cơ quan điều tra Công an TPHCM tiếp tục điều tra bổ sung làm rõ kết luận về việc giám định phát ngôn của ông Đặng Anh Quân có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân. Bởi vì, trong kết luận điều tra (lần 2) sau khi đã điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã tiến hành làm rõ vai trò của các khách mời trong các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng, trong đó có Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim.

Từ kết quả giám định các nội dung phát ngôn của ông Quân và ông Kim, cơ quan điều tra xác định chưa đủ cơ sở khẳng định ông Quân có hành vi vi phạm các quy định pháp luật. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM chỉ đề nghị VKS cùng cấp truy tố đối với bị can Nguyễn Phương Hằng cùng 3 bị can đồng phạm, gồm Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) về cùng tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 Điều 331 BLHS 2015. Dù vậy, VKS đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra khi điều tra bổ sung phải nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của Tiến sĩ, giảng viên Đặng Anh Quân liên quan đến một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân của người này.

Theo kết luận điều tra của Công an TPHCM, bị can Nguyễn Phương Hằng bị cáo buộc là chủ mưu, các bị can còn lại có vai trò giúp sức cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội kể trên. Cụ thể, vào khoảng tháng 3/2021, bà Nguyễn Phương Hằng bị cáo buộc có hành vi thông qua các tài khoản mạng xã hội như You Tube, TikTok để tổ chức nhiều buổi livestream nói về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận. Tuy nhiên, tại các buổi livestream này, bà Hằng và các bị can đã phát ngôn những nội dung liên quan đến bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của một số cá nhân.

Trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng khai nhận các thông tin đã phát ngôn về các cá nhân, tổ chức liên quan, nhưng cho rằng đó chỉ là thông tin đọc trên mạng Internet hoặc do nằm mơ chứ chưa được kiểm chứng và cũng không có căn cứ. Đối với một số cá nhân khác có hành vi sử dụng kênh YouTube, Tiktoke để chia sẻ thông tin liên quan đến các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích câu view, câu like. Riêng đối với các phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng, kết luận điều tra xác định hành vi của bà Hằng có liên quan đến tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, vào tháng 3/2022 cơ quan điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng. Quá trình điều tra, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam thêm một số bị can liên quan. Tuy nhiên, trong cả 2 lần hoàn tất kết luận điều tra và gửi cơ quan VKS cùng cấp, VKSND TPHCM đều trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung vụ án.

LÊ ANH