Bốn tuyến cáp quang biển đồng loạt gặp sự cố
Lần đầu tiên trong lịch sử, 4/5 tuyến cáp quang từ Việt Nam đi quốc tế đồng loạt gặp sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ Internet tại Việt Nam.
Theo Dân Trí, ngày 28/1 vừa qua, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA - Intra Asia) đã gặp sự cố đứt cáp tại vị trí cách bờ biển Singapore khoảng 130 km. Đây là tuyến cáp quang kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông và Nhật Bản.
Trước đó, 3 tuyến cáp quang khác là APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia America Gateway) và AAE-1 (Asia - Africa - Europe 1) cũng đã gặp sự cố từ cuối năm 2022 và chưa được khắc phục xong. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử có đến 4 trong tổng số 5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố, chỉ còn lại duy nhất tuyến cáp quang SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu) là vẫn còn hoạt động bình thường.
Dù hiện tại vẫn có một số tuyến cáp quang trên đất liền nối Việt Nam đi quốc tế, tuy nhiên, phần lớn lưu lượng kết nối Internet tại Việt Nam đều được truyền tải thông qua các tuyến cáp quang ngầm dưới biển, do vậy, sự cố gặp phải đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ Internet tại Việt Nam.
Đại diện một nhà mạng tại Việt Nam cho biết đứt cáp quang là sự cố bất khả kháng, do vậy các nhà mạng mong nhận được sự thông cảm từ phía người dùng. Hiện tại các nhà mạng đã áp dụng nhiều phương án chia sẻ lưu lượng giữa các tuyến cáp kết nối quốc tế, mở các kênh truy cập bổ sung... để đảm bảo kết nối của người dùng. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, khi nhu cầu của người dùng và lưu lượng kết nối Internet tăng cao như chơi game, xem phim trực tuyến... sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng kết nối Internet.
Theo Anninhthudo, ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, sự cố 4 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố ở thời điểm hiện tại là hy hữu, nhà mạng cũng không lường trước được. Dù vậy, qua sự cố này cho thấy, Việt Nam cần thêm các tuyến cáp quang biển mới.
Theo ông Vũ Thế Bình, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần ít nhất 2-3 tuyến cáp quang biển mới để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Còn nếu kỳ vọng biến Việt Nam thành một trạm trung chuyển của khu vực, thì còn cần nhiều hơn thế.
Ông Vũ Thế Bình cho biết, kế hoạch mà các nhà mạng Viettel và VNPT công bố cho thấy, năm 2023 các nhà mạng này sẽ khai thác thêm tuyến cáp cập bờ Quy Nhơn. Nếu các tuyến này hoạt động cố định thì cũng sẽ giải quyết căn bản khả năng dự phòng cho các nhà mạng.
Với tình trạng sự cố các tuyến cáp quang biển ngày càng nhiều và càng dày, nhu cầu bổ sung các tuyến cáp mới càng trở nên cấp bách.
Đánh giá về sự cố vừa qua, đại diện VIA cho rằng, tình huống 4/5 tuyến cáp gặp sự cố cùng lúc là hy hữu, khiến phần lớn dung lượng cáp biển đã không sử dụng được. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà mạng đều dùng cáp quang biển IA (tuyến cáp thứ tư vừa gặp sự cố hôm 28/1) nên sự cố chỉ ảnh hưởng đến các nhà mạng khai thác tuyến cáp này.
Dù vậy, vẫn có thể có tình trạng nghẽn mạng do tuyến IA đi Singapore tạm dừng hoạt động thì lưu lượng được chuyển sang các tuyến khác, gây khả năng nghẽn mạng, chập chờn… Dự kiến tình trạng này còn kéo dài trong vài tuần tới.
“Chúng tôi cho rằng đây là một bài học tốt cho các nhà mạng Việt Nam, tức là mọi kịch bản xấu nhất đều cần được tính tới và có các phương án chuẩn bị ứng phó”- ông Vũ Thế Bình cho hay.