Bạc Liêu: Con tôm ‘khát mặn’
Hiện nay nhiều nông dân của huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu đang rất lo lắng vì đã sang đầu tháng 3 mà nước mặn vẫn chưa về khiến nhiều nơi con tôm đang trong tình trạng “khát mặn”.
Nhiều nông dân ở vùng chuyển đổi sản xuất huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu như "ngồi trên đống lửa" khi mà việc cải tạo ruộng đồng xong nhưng đến thời điểm này độ mặn ở nhiều tuyến kênh chưa đảm bảo cho yêu cầu nuôi tôm.
Anh Trần Thanh Tạo ở xã Ninh Thạnh Lợi không giấu được sự lo lắng cho biết, hiện nay gia đình cũng đã cải tạo xong ao đầm với gần 1 ha đất nuôi tôm quảng canh nhưng chưa dám thả giống vì độ mặn chưa đạt. “Hiện nay nhiều tuyến kênh độ mặn chỉ dao động từ 1-2 ‰. Trong khi để con tôm sống được trên đất lúa, độ mặn thấp nhất phải từ 7-10 ‰. Nếu nóng lòng thả giống vào thời điểm này tôm sẽ chết ngay”, anh Trần Thanh Tạo cho biết thêm.
Theo kinh nghiệm của ông Đồng Minh Triều, nông dân ấp Sơn Trắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân chia sẻ, khi độ mặn trên kênh chính đạt khoảng 7-10‰ mới phù hợp để đưa nước vào cải tạo, vệ sinh ao vuông. Sau khi làm sạch đáy ao vuông mới đưa nước vào ngâm trong vài ngày, tiến hành dọn cỏ rồi xả nước ra và tiếp tục đưa nước mặn ngoài kênh vào ao lắng, xử lý kỹ thuật và thả dèo tôm giống từ 45-60 ngày sẽ thả tôm nuôi trên diện rộng mới đạt hiệu quả. “Độ mặn còn thấp nếu lấy vào thả tôm là thua, phải chờ đủ mặn mới lấy được”, ông Triều cho biết thêm.
Huyện Hồng Dân nằm ở vùng giáp nước giữa triều cường Biển Tây và phụ thuộc vào lịch điều tiết nước mặn phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh.
Theo lịch thời vụ sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, ở vùng Bắc Quốc lộ 1A, vụ tôm 2023 bắt đầu từ tháng 1 và kết thúc vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, đến nay nhiều tuyến kênh trên địa bàn xã độ mặn đo được chỉ từ 1-2‰ nên nông dân vẫn chưa thể thả tôm nuôi. Nhiều xã khác như: Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A... vẫn đang trong tình trạng còn thiếu và chưa đủ mặn.
Ông Võ Minh Huy, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cho biết, năm nay dự kiến nông dân vùng chuyển đổi của huyện phấn đấu thả giống trên 26.260 ha mặt nước nuôi tôm theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp với các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, đến nay nông dân mới cải tạo ao đầm được hơn 20% diện tích. Nguyên nhân chính là do nước mặn trên các tuyến kênh còn thấp. “Trước tình hình độ mặn trong nước trên các tuyến kênh còn thấp như hiện nay, chúng tôi kiến nghị ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu có kế hoạch điều tiết nước mặn hợp lý trong những ngày tới, để bà con có đủ nguồn nước mặn phục vụ cài tạo ao đầm, khẩn trương bước vào thả nuôi vụ tôm mới theo lịch thời vụ”, ông Huy nói.
Theo Chi cục thuỷ lợi tỉnh Bạc Liêu, Chi cục Thủy lợi đã cho mở cống Giá Rai và cống Hộ Phòng từ ngày 15 đến 21/01/2023 để cung cấp nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Bắc Quốc Lộ IA. Hiện nay đã cấp đủ nước mặn cho thị xã Giá Rai và ½ diện tích nuôi tôm của huyện Phước Long. Độ mặn đo được tại khu vực nuôi tôm dao động từ 1,78 - 2 ‰. Hiện nay độ mặn trên sông Cà Mau - Bạc Liêu đã ở mức (1,5-1,78 ‰). Khu vực phía Bắc Hồng Dân giáp Kiên Giang vẫn còn ngọt, độ mặn dao động từ 0,1 ‰ đến 1 ‰.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Bạc Liêu cho hay, hiện nay ở huyện Hồng Dân còn khoảng 4.000 ha lúa-tôm đang trong giai đoạn thu hoạch nên chúng tôi điều tiết chậm để chờ nông dân thu hoạch lúa xong mới điều tiết nước. “Khoảng ngày 10/2 lúa-tôm ở vùng Hồng Dân sẽ thu hoạch dứt điểm chúng tôi sẽ mở cống để điều tiết nước vô phục vụ nuôi cho bà con nông dân”, ông Ẩn thông tin thêm.
Hiện tại, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hàng trăm ha nuôi tôm đang thiếu nước, riêng huyện Hồng Dân vẫn còn khoảng 20.000 ha chưa được đưa vào sản xuất do thiếu nước mặn, trong khi đó lịch thời vụ nuôi tôm chính đã kết thúc.