Giữ ‘lá phổi xanh’ ở Khe Tòng

NGUYỄN CHUNG 05/02/2023 08:09

Những kiểm lâm viên tôi đã gặp tại trạm Khe Tòng, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đều có tuổi đời còn khá trẻ. Giữa những khó khăn bộn bề, hiểm nguy rình rập, ở họ vẫn bừng lên nhiệt huyết, tình yêu với rừng. Với họ, giữ rừng không chỉ đơn thuần là kịp thời ngăn chặn nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật mà còn giữ cho “lá phổi” ở một dải miền Tây của xứ Thanh mãi xanh…

Đường vào Khe Tòng.

Những người yêu rừng

Tôi ngược về miền rừng của huyện miền núi Như Xuân trong tiết trời tháng Giêng rét mướt. Những cơn mưa xuân đầu tiên như chiếc màn nhung màu trắng khổng lồ mang phép nhiệm màu, phủ lên vạn vật và khiến tất cả bừng lên sức sống. Bên đường, từ những thân mơ, mận mốc thếch ủ dột suốt mùa đông dài dặc đã bắt đầu bung trắng nụ và nhú những chồi biếc đầu cành. Xa về phía lưng chừng các triền đồi là màu xanh mướt của những nương ngô, lúa căng tràn nhựa sống…

Từ đường Hồ Chí Minh vào đến Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng vẫn còn non 30 cây số đường - nơi có lần tôi đã được anh em ngành kiểm lâm Thanh Hóa kể về sự khó khăn, gian khổ mà những người ở đây phải đối mặt. Men theo con đường nhấp nhô đất đá nhỏ hẹp như sợi chỉ, băng qua những cánh rừng sâu hun hút, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Hải - một cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng vừa đi vừa cho tôi biết: Để vào trong trạm Khe Tòng, phải mất ít nhất gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ đi xe máy, đường đi rất hiểm trở, trơn trượt với vô số muỗi, vắt. Do là một trong 4 trạm bảo vệ rừng khó khăn, xa xôi bậc nhất của Ban quản lý nên cuộc sống của anh em trong Trạm thiếu thốn đủ bề. “Ở đấy vất vả, hiểm nguy trùng trùng anh ạ! Phải là những người yêu rừng lắm mới trụ lại được”, Hải nói như để khẳng định thêm với tôi về những gian khổ mà anh em kiểm lâm ở trạm Khe Tòng phải đối mặt.

Chúng tôi vào đến Trạm khi bóng tối đã bắt đầu phủ lên những mom núi cuối cùng. Lẫn trong gió rừng khoáng đạt là tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng hoẵng tác ăn đêm, tiếng suối đâu đó vọng lại… tất cả tạo thành giai điệu tưởng như bất tận giữa thăm thẳm, mênh mông của đại ngàn. Trong căn nhà cấp 4 dựng tạm, đã xuống cấp là nơi sinh hoạt của 3 cán bộ bảo vệ rừng. Nhiệm vụ, tình yêu với rừng đã “buộc” những con người xa lạ lại với nhau, động viên, giúp đỡ lẫn nhau cùng giữ rừng.

Tiếp chúng tôi trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, kiểm lâm viên Nguyễn Sỹ Thượng - quê tận phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa - một trong 4 trạm trưởng trẻ nhất của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, chia sẻ: Cách đây ít hôm, trên này mưa nhiều, đường vào đây rất khó đi, nay ít mưa đường cũng khô ráo, đỡ trơn trượt hơn hẳn. Trạm cách đường Hồ Chí Minh hơn 25km, cộng thêm đường vào Trạm vất vả, những hôm mưa gió, đất rừng sạt trượt, lầy lội anh em trong Trạm phải mất gần nửa tháng mới ra khỏi rừng. “Mấy khi Trạm mới có khách quý nên anh em tranh thủ ra suối giăng lưới, bắt thêm ít cá mát để gọi là đãi đằng! Đặc sản giữa rừng anh ạ”, Thượng cười hóm hỉnh.

Trong lúc chờ cơm, Thượng tâm sự: Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thủy Lợi Hà Nội, không biết duyên số đưa đẩy thế nào mà Thượng bén duyên với nghề đến nay ngót nghét đã gần 10 năm. Trước khi lên công tác anh không nghĩ điều kiện sinh hoạt, làm việc lại kham khổ, thiếu thốn đến vậy. Giữa chốn “rừng thiêng, nước độc” không sóng điện thoại, không điện chiếu sáng, không nước sạch sinh hoạt, chưa kể mùa đông đến nền nhiệt độ xuống thấp hơn mức bình thường. Đêm, chỉ có tiếng gió rừng len lỏi qua khe liếp dội thẳng vào giường ngủ… khiến những người vừa rời chốn phồn hoa, đô hội không ít lần nản lòng. Nhưng, nhờ sự bảo ban, giúp đỡ, động viên của anh em trong Trạm, dần dà mọi khó khăn cũng quen. Thượng hòa nhập với cuộc sống, công việc của một kiểm lâm viên, bản thân bớt tự ti, bỡ ngỡ hơn trước. “Sống ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, biệt lập với bên ngoài, cuộc sống tuy vất vả, thiếu thốn, lo từng bữa ăn, cái mặc hàng ngày, nhưng anh em luôn xác định nhiệm vụ công việc lên hàng đầu, dẫu khó khăn đến đâu cũng phải bảo ban nhau vượt qua, nhiều lúc nhớ vợ, nhớ con nhưng phải nén lại”, Thượng chia sẻ.

Anh Lê Văn Vũ - một người được anh em gọi vui là “anh nuôi” của Trạm vì được phân công thêm công việc nội trợ, bếp núc, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, cho biết: Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng có 3 người, được giao tuần tra, kiểm soát, bảo vệ và quản lý hơn 2.000 ha rừng, gồm tiểu khu 646, 641 và tiểu khu 638. Trung bình, mỗi ngày anh em phải băng rừng, lội suối hơn 20 km để tuần tra, mà đi rừng khổ nhất lúc gặp mưa, quần ướt áo ướt sũng, chân tay tím tái vì lạnh, chưa kể muỗi, vắt đeo bám. “Để chuyến đi tuần rừng đạt hiệu quả, trước ngày đi anh em dậy từ rất sớm chuẩn bị đồ đạc, lương thực, quần áo, vật dụng cá nhân, lương khô, mì tôm, vài ba chai nước lọc… đem theo ăn tạm trong rừng. Do là địa bàn giáp ranh với tỉnh Nghệ An, lâm tặc thường lợi dụng thời tiết xấu để xâm nhập bẫy thú, trộm gỗ. Vì vậy, càng những hôm thời tiết bất lợi, anh em lại càng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát.", anh Vũ cho biết thêm.

Với các kiểm lâm viên tại trạm Khe Tòng, giữ rừng cũng là giữ gìn cho lá phổi xanh của đất nước.

Gìn giữ cho mai sau

Là người có thâm niên hơn 12 năm gắn bó với núi rừng, anh Lê Nhật Vượng, quê huyện Thọ Xuân - một trong 3 cán bộ tại trạm Khe Tòng - người đã từng phụ trách nhiều địa bàn khác nhau, nếm trải những năm tháng gian khổ của nghề bảo vệ rừng, am hiểu từng gốc cây, ngọn cỏ, địa hình rừng núi nơi đây cũng góp chuyện. Anh kể: Ở đây điều kiện sống rất khó khăn, địa bàn quản lý, tuần tra lại rộng nên những chuyến tuần rừng thường phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy vậy vẫn có những chuyến do anh em phải đi vào vùng địa hình hiểm trở, trời nắng, nước mang đi kạn kiệt, chỉ gặp vũng nước nhỏ, không còn cách nào khác đành lấy khăn lau mặt thấm, vắt lấy nước uống, nấu ăn. Buổi trưa, người tựa vào gốc cây, người nằm trên tảng đá để nghỉ lấy lại sức. “Trong quá trình đi tuần rừng, chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy khi bị lâm tặc cùng một số đối tượng khai thác gỗ đe dọa…”, anh Vượng nhớ lại.

Trong câu chuyện với anh Vượng, tôi còn được biết: Đối với cán bộ Trạm bảo rừng Khe Tòng, không những chịu áp lực về công việc chiếm hết thời gian, gánh nặng gia đình hay câu chuyện về “cơm áo gạo tiền” trước mức thu nhập thấp khiến cuộc sống gặp nhiều vất vả, lo toan. Gần 47 tuổi, anh Vượng cũng chỉ dừng lại ở mức lương chưa đến 5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải chi tiêu hàng ngày, bản thân nuôi mình không nổi còn lại phía sau cả gia đình, con cái, đủ thứ phải đắn đo, suy nghĩ.

Để khắc phục điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn, kiểm lâm viên tại Khe Tòng đã dùng tua bin phát điện từ nước suối để sử dụng.

Để có thêm nguồn thu nhập, anh Vượng cùng anh em trong Trạm trồng thêm ít rau quả, đánh vài con cá, tôm ngoài khe suối cải thiện cuộc sống. Rồi lãnh đạo Ban cũng hỗ trợ một ít kinh phí từ quỹ công đoàn để Trạm mua thêm ít dê, lợn chăn nuôi và thầu một ít đất rừng của dân để trồng keo, cao su để tăng thu nhập. Mấy năm nay giá keo có tăng lên nên cuộc sống gia đình các anh cũng đỡ vất vả hơn trước…

Nói về nhiệm vụ của những người đang mang trên vai sứ mệnh giữ rừng ở đây, ông Hàn Văn Huyền - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân cho hay: Ban hiện được giao quản lý 8.250 ha rừng (bao gồm đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất) chia đều cho 4 trạm bảo vệ rừng, mỗi trạm ba cán bộ, mỗi cán bộ phụ trách hơn 600 ha rừng, điều kiện sinh hoạt tại các trạm thiếu thốn, vất vả. Khe Tòng là một trong những trạm xa xôi, khó khăn bậc nhất của Ban, giao thông đi lại khó khăn, không có điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt, lại biệt lập nằm sâu trong rừng già. Vào mùa mưa, đường vào Trạm thường xuyên bị sạt trượt, nước dâng cao cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Với điều kiện như thế, thường anh em kiểm lâm ở Khe Tòng phải vài tháng mới được về thăm gia đình một lần. Khó khăn thì nói sao cho hết nhưng anh em vẫn thường động viên nhau vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. "Dù vậy, giữ rừng là giữ gìn “lá phổi xanh” cho đất nước, giữ những giá trị lớn lao cho mai sau”, ông Huyền tâm niệm.

NGUYỄN CHUNG