Tuyên Quang: Nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới
Xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là quá trình không có điểm kết thúc, ngay sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với định hướng chỉ đạo đúng đắn, sự vào cuộc vận động tích cực của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân, nhiều địa phương tại Tuyên Quang đã đạt được các tiêu chí của NTM kiểu mẫu và nâng cao.
Những con đường bê tông rộng thênh thang đưa chúng tôi về bản Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Mỹ Hoa vốn là một bản “trẻ”. Năm 2004, thực hiện chương trình tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang, 45 hộ đồng bào dân tộc Mông từ Na Hang về định cư tại xã Mỹ Bằng, lập ra bản Mỹ Hoa. Mỹ Hoa giờ có 79 hộ với 490 nhân khẩu.
Sau gần 20 năm định cư ở nơi ở mới, nhiều gia đình người Mông đã có đời sống khá giả như hôm nay. Điều đó có được nhờ “lực đẩy” của chương trình NTM. Hiện thôn có hơn 40ha chè, mỗi năm sản lượng chè búp tươi đạt trên 1.400 tấn, cung cấp nguyên liệu cho 3 công ty và 15 xưởng chế biến chè, tổng doanh thu đạt gần 6 tỷ đồng. Nhiều hộ nhờ trồng chè mà kinh tế khá giả như anh Hoàng A Phà, ông Lý Văn Vừ, Lý A Hừ…
Người dân trong thôn cũng tận dụng diện tích trồng cây vụ 3 để trồng ngô chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản. Toàn thôn có 100 con dê, 80 con trâu, bò và trên 2.000 con gia cầm. Mỹ Hoa là một trong những nhân tố giúp Mỹ Bằng chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2021, và đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2022. Theo thống kê, toàn xã hiện có hơn 670 ha chè, trong đó có khoảng 200 ha sản xuất theo mô hình VietGAP. Nhờ có hướng đi đúng, gắn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, nhóm tiêu chí về mức sống, thu nhập của xã Mỹ Bằng đã được nâng lên cao hơn. Đến thời điểm này, xã có trên 90% nhà ở kiên cố; Mỹ Bằng đặc biệt chú trọng phát triển nông thôn xanh - sạch - đẹp, với tỷ lệ thu gom và xử lý lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của xã đạt trên 95%. Hiện Mỹ Bằng đã đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu và chỉ còn đợi quyết định công nhận chính thức. Trước đó, tháng 5/2022, cũng tại huyện Yên Sơn, xã Thái Bình cũng đã “về đích”. Thái Bình là xã đầu tiên của Tuyên Quang đạt chuẩn NTM nâng cao (năm 2020) và NTM kiểu mẫu.
Cũng như Mỹ Bằng và Thái Bình, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, phong trào thi đua xây dựng NTM diễn ra hết sức sôi nổi. Các xã đều nỗ lực “về đích” đạt chuẩn ở các mức độ khác nhau: NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. So với Yên Sơn, kinh tế - xã hội của huyện Chiêm Hóa còn nhiều khó khăn hơn. Nhưng điều đó không ngăn được nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng NTM. Xã Vinh Quang chính là một trong những điểm sáng như thế. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vinh Quang tiếp tục nỗ lực duy trì và phát huy các tiêu chí đạt được để xây dựng NTM nâng cao.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vinh Quang Đinh Thị Thương cho biết, xã đã tập trung nhiều nguồn lực và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp tiền, công sức, hiến đất... để cùng với chính quyền xây dựng thành công xã NTM nâng cao. Đến nay, xã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như: nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi thủy sản trên lòng sông, xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại; tập trung đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, xã Vinh Quang đã huy động trên 36 tỷ đồng hoàn thành các tiêu chí, trong đó, nhân dân đóng góp gần 8 tỷ đồng. Vinh Quang đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao từ năm 2022 và hiện đang nỗ lực xây dựng NTM kiểu mẫu. Tính đến thời điểm này, dù là tỉnh nghèo ở phía Bắc, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và một xã NTM kiểu mẫu là xã Thái Bình (huyện Yên Sơn). Nhiều xã khác đã đạt chuẩn và đang chờ công nhận chính thức.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng NTM thông qua các mô hình NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, không thể không kể đến vai trò tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia của MTTQ các cấp. Qua đó, đã khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia trên 149 nghìn ngày công lao động, đóng góp trên 63,9 tỷ đồng, hiến trên 127.000 m2 đất để xây dựng các công trình, tham gia xây dựng 226,62 km đường giao thông nông thôn; trồng 35,2 km đường hoa, cây xanh, cây cảnh tại khuôn viên cơ quan và các tuyến đường giao thông tại nông thôn; nhân dân đã đóng góp xây dựng 1.444 cột điện “Thắp sáng đường quê” với số tiền 1,01 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Minh Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, những kết quả đạt được đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh nội lực trong cộng đồng dân cư. “Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn; dân chủ cơ sở được mở rộng, bộ mặt nông thôn, đô thị khởi sắc từng ngày. Từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, cơ sở. Đồng thời, kết quả trên đã khẳng định vị trí, vai trò của Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, các đoàn thể cũng như sự nỗ lực của Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh”, ông Tân cho biết.