Phụ huynh, học sinh choáng ngợp trước gần chục các kỳ thi riêng
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, mùa thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ bắt đầu khởi động. Tuy nhiên tới thời điểm này, nhiều thí sinh đang lúng túng không biết lựa chọn kỳ thi nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường đại học mơ ước.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 50 trường công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó có gần 10 trường đại học, đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào.
Ví dụ như: Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thi đánh giá của Bộ Công an, thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội, thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc.
Mùa thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang bắt đầu khởi động. Thời gian diễn ra các kỳ thi riêng đã được một số trường công bố.
Trong số các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ diễn ra sớm nhất. Theo đó, từ ngày mai, 6/2, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi cho các đợt thi tháng 3-4.
Việc nở rộ các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực khiến thí sinh và phụ huynh lo lắng. Hiện nhiều thí sinh đang loay hoay trong việc lựa chọn các kỳ thi.
Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, Châu dự kiến sẽ đăng ký 3 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tuy nhiên, việc tham gia nhiều kỳ thi riêng khiến Châu đang phải đối mặt với những áp lực trong học tập. Ngoài việc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Châu dành khá nhiều thời gian cho việc luyện các đề minh hoạ thi đánh giá năng lực trên mạng.
“Sau Tết Nguyên đán, em tập trung cho việc học nhiều hơn. Hơn 1 tuần nay, hôm nào em cũng thức tới khuya để học bởi nếu không dồn sức ôn luyện em lo sợ bản thân không đủ sức vượt qua các kỳ thi sắp tới”, Châu chia sẻ.
Không chỉ có các thí sinh, nhiều phụ huynh cũng không khỏi lúng túng trước gần chục các kỳ thi riêng.
Chị Nguyễn Ngọc Ngân (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, dù gia đình chị xác định tinh thần từ năm con gái chị học lớp 11 là sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng năm nay, việc nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng khiến mẹ con chị bị choáng ngợp.
Theo chị Ngân, thi tốt nghiệp THPT hiện chỉ là điều kiện cần và đủ để con đăng ký xét tuyển đại học nhưng muốn có cơ hội trúng tuyển vào các trường top trên, con phải thi các kỳ thi riêng.
Chị Ngân cũng thừa nhận: “Con gái tôi đang bị phân tâm vào việc luyện thi đánh giá năng lực. Thấy con bị áp lực thi cử, tôi rất lo sợ rằng con sẽ bị quá tải”.
Trước những băn khoăn từ phía người học về việc đăng ký học các lớp ôn thi cấp tốc, lò luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có thực sự cần thiết hay không, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường.
Đại diện các trường cũng đều khẳng định, trường không tổ chức ôn luyện, không xuất bản các ấn phẩm phục vụ ôn thi đánh giá năng lực, ngoại trừ bài thi tham khảo.
Luyện thi đánh giá năng lực chỉ giải quyết vấn đề tâm lý
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, trường đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc ôn luyện tại các trung tâm, lớp luyện thi không mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả gì. Tuy nhiên, cả phụ huynh và học sinh đều có tâm lý phải đi ôn luyện thi mới đạt kết quả cao, dẫn đến các lớp luyện thi được hưởng lợi.
Theo ông Thảo, ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội rất lớn, bài thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Thế nên, việc các em theo học luyện thi chỉ giải quyết vấn đề tâm lý của thí sinh mà thôi.