'Mỏi tay' xử lý vi phạm nồng độ cồn sau Tết: Cách nào nghiêm trị?
Dù đã kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng số lượng vi phạm nồng độ cồn vẫn liên tục gia tăng.
Xử lý 'mỏi tay'
Cục Cảnh sát giao thông mở đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết từ ngày 15/11/2022 đến 5/2/2023 trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Sau gần hai tháng (đến 12/1/2023), công an cả nước đã xử lý hơn 521.000 tài xế vi phạm, phạt gần 1.000 tỷ đồng; trong đó lỗi nồng độ cồn hơn 80.600 trường hợp, phạt tiền gần 400 tỷ đồng.
Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, cảnh sát giao thông cả nước phạt hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng gần 600% so với Tết Nhâm Dần 2022.
Thời điểm hiện tại, dù đã kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên số lượng trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham giao thông vẫn tiếp tục tăng lên.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Văn Đoàn, Hệ thống Luật sư X cho biết, Nghị định 100/2020/NĐ-CP được sửa đổi từ quy định trước đó. Theo nghị định mới người tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy, mô tô nếu nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì đều sẽ bị xử phạt nồng độ cồn theo mức mà pháp luật quy định.
Đối với người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe máy khi nồng độ cồn trong cơ thể đạt từ 50mg tới 80mg/100ml máu hoặc 0.25-0.4mg/1 lít khí thở thì các tài xế sẽ bị phạt.
“Đặc biệt chú ý và cực kỳ quan trong đối với những người điều khiển phương tiện xe ô tô thì dù uống nhiều hay ít, chỉ một hớp bia rượu hay một cái nhấp môi nếu bị CSGT kiểm tra và phát hiện được thì đều là vi phạm luật”, Luật sư nhấn mạnh.
Theo đó, mức xử phạt nồng độ cồn đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất, được phân ra 3 mức phạt tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế.
Cụ thể, mức 1: Chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở. Đối với ô tô: 6 - 8 triệu đồng; tước GPLX từ 10 - 12 tháng. Đối với xe máy: 2 - 3 triệu đồng; tước GPLX từ 10 - 12 tháng. Xe đạp, xe đạp điện: 80.000 - 100.000 đồng.
Ở mức 2 khi vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở. Đối với ô tô: 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 16 - 18 tháng. Với xe máy: 4 - 5 triệu đồng; tước GPLX từ 16 - 18 tháng. Xe đạp, xe đạp điện: 200.000 - 400.000 đồng.
Còn mức 3 khi nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở. Người điều khiển ô tô: phạt từ 30 - 40 triệu đồng; tước GPLX 22 - 24 tháng. Đối với xe máy: 6 - 8 triệu đồng; tước GPLX 22 - 24 tháng. Xe đạp: 600 - 800.000 đồng.
Tăng cường hơn nữa biện pháp ngăn chặn
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trường Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, thời gian vừa qua, số lượng người bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi trong người có nồng độ cồn tăng cao. Bởi những lý do: Thứ nhất, đây đang là dịp đầu năm, người dân có thói quen gặp mặt, khai xuân, tụ tập, sau đó rất nhiều lễ hội diễn ra. Việc ăn uống, nhậu nhẹt là điều tất yếu.
Thứ hai: Thói quen người Việt Nam coi trọng việc nhậu nhẹt, uống rượu bia. Tất cả cuộc vui, liên hoan, khai xuân, công việc đều có rượu bia. Nhất là đàn ông, việc uống bia rượu cũng là cách thể hiện, khẳng định bản thân.
Thứ ba: Đó là việc Cơ quan cảnh sát giao thông đã ra quân, làm quyết liệt, kiểm tra liên tục vì thế phát hiện ra nhiều hơn các trường hợp có nồng độ cồn trong người. Việc kiểm tra gắt gao, quyết liệt, không có ngoại lệ, vùng cấm là cách hiệu quả, hữu hiệu phát hiện người có nồng độ cồn, ngăn chặn, xử lý, phòng ngừa tai nạn giao thông.
Đây là những lý do cơ bản để hiểu tại sao trong thời gian qua tỷ lệ người tham gia giao thông bị xử phát hành chính vì lỗi có nồng độ cồn trong người tăng cao đột biến.
Do vậy, Luật sư cho biết, duy định pháp luật về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm khi tham gia giao thông do uống rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng hiện hành đã hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế. Còn về xử phạt vi phạm hành chính, cần tiếp tục sửa đổi Nghị định 100 theo hướng tiếp tục nâng mức xử phạt lên nhiều hơn nữa để tăng tính răn đe.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp xử lý bổ sung như tạm giữ phương tiện, tạm giữ giấy phép xe, thu hồi giấy phép lái xe… Trường hợp đã quy định các biện pháp này thì cần tăng thời gian tạm giữ để nâng cao hiệu quả xử phạt. Nhiều người lái xe sợ bị tạm giữ xe, tạm giữ giấy phép hơn là phạt tiền nên đánh vào điểm này có thể đạt hiệu quả cao hơn.
[Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn sau kỳ nghỉ Tết]