[ẢNH] Lễ hội rước sinh thực khí ở Lạng Sơn
Cứ vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm Ủy ban nhân dân xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn lại tổ chức lễ hội Ná nhèm - Lễ hội độc đáo với màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Đây là nghi thức để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở.
Đến với hội Ná Nhèm, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những nghi lễ của đám rước long ngai, bài vị và đánh đại đao, gươm mác, rước linh vật...
Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế và rước nước từ miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn về đình Làng Mỏ; nghi lễ cúng tế tại đình Làng Mỏ và miếu Xa Vùn được các thầy mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn. Những người thực hiện các phần nghi lễ cúng tế phải là những người từ 60 tuổi trở lên, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm và hiểu biết về phong tục tập quán của địa phương. Ngoài thầy mo, còn có hai ông hội (bồi tế) là người phụ giúp thầy mo trong việc mang lễ vật lên dâng thần và 4 anh Tưởng là những trai đinh từ 16 tuổi trở lên, được mọi người tin tưởng tín nhiệm. Các anh Tưởng có nhiệm vụ giúp thầy mo và hai ông hội chuẩn bị các lễ vật.
Theo các tư liệu thu thập được và lời kể của các cụ bô lão khu cửa đình làng Mỏ, thì vào thời loạn lạc có một toán giặc Tấc Tài Ngàn - hay còn gọi là giặc răng đỏ - đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn). Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ.
Lũ giặc còn làm một cái trống to, đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn.
Để giết giặc, dân làng đã bày mưu cho các cô gái phục vụ buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn.
Sau khi bọn giặc chết không lâu thì trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên. Tại gần ngôi miếu Xa Vùn xuất hiện một tổ ong chúa rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh không được cúng tế cho ăn nên chúng quậy phá.
Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc của người dân. Trong lễ hội có màn rước sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ để thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong cho cuộc sống đầy đủ, ấm no.