Xin ấn Đền Trần
Đêm 4/2 và rạng sáng 5/2, tại thành phố Nam Định đã diễn ra lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2023, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Điểm đáng mừng là lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay không lộn xộn, không chen lấn và cũng không có chuyện ném tiền lên kiệu ấn; không có tình trạng tranh cướp, tùy tiện lấy lộc trên các ban thờ...
Sau 3 năm tạm nghỉ vì đại dịch Covid-19, đêm 4/2 và rạng sáng 5/2/2023, hàng vạn người dân và du khách thập phương đã có mặt tại khu vực Đền Trần để dự Lễ Khai ấn. Sau nghi lễ rước kiệu ấn, từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường, lễ Khai ấn bắt đầu từ 23 giờ 15 phút tại ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường. Không khí trang nghiêm, trật tự đã tạo ra một lễ hội văn minh. Nhiều người nhận xét, điều đó có được trước hết là do việc đổi mới trong công tác tổ chức lễ hội của chính quyền địa phương; nhưng cũng là đến từ ý thức người dân khi tham gia lễ hội.
Về với Đền Trần, du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn là dịp tưởng nhớ 14 vị vua Trần và các tướng lĩnh nhà Trần, đã dựng lên một triều đại phong kiến hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng (năm 1239), tại phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn, mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này trên nền phủ Thiên Trường, người dân xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua nhà Trần, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của người xưa, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc và cầu mong một năm mới tốt đẹp.
Như vậy, nguyên thủy, nghi lễ khai ấn Đền Trần được tiền nhân mở ra với ý nghĩa cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương". Bản chất của 4 chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban phúc cho con cháu, dạy con cháu, nhắc nhở bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt. Phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.
Điều đó cho thấy lá ấn Đền Trần ngày nay không liên quan gì đến việc thăng quan tiến chức như nhiều người lầm tưởng. Vì vậy, những ai cầm lá ấn trong tay mà không hiểu bản chất ý nghĩa sâu sắc đó thì ấn cũng chẳng có giá trị gì.
Xin ấn Đền Trần đang trở về với ý nghĩa đích thực của nó. Cùng với các lễ hội khác trên khắp mọi miền Tổ quốc, Lễ hội Khai ấn Đền Trần ở Nam Định là nét đẹp văn hóa đầu Xuân của các thế hệ người Việt. Ai có may mắn được tham dự lễ hội, may mắn có được lá ấn Đền Trần càng như thấy mình được tiền nhân nhắc nhở phải biết "tích phúc", không đơn giản là phúc lộc mà phải tự nhủ lòng bền bỉ làm điều tốt như một “di sản” để lại cho con cháu mai sau.