Nông dân vui mừng vì trái cây tăng giá

Đoàn Xá 06/02/2023 07:00

Những ngày qua, nông dân miền Tây Nam bộ vui mừng vì nhiều loại trái cây chủ lực xuất khẩu như sầu riêng, thanh long, dừa... tăng giá mạnh. Thậm chí nhiều loại trái cây có mức giá cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Người trồng sầu riêng vui mừng vì giá tăng cao.

Là vùng đất trồng sầu riêng nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, nhiều hộ nông dân ở cù lao Tân Phong - Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay sầu riêng đang có mức giá cao kỷ lục, thậm chí chưa bao giờ có giá cao hơn. Sầu riêng Ri-6 loại một (nặng 4 ký trở lên) bán với giá 200 nghìn đồng/kg. Nhiều vựa ở thị trấn Cái Bè còn mua với giá 230 nghìn đồng/kg, cao hơn gần gấp 4 lần năm ngoái.

“Những năm trước, cao lắm cũng chỉ chừng 150 nghìn đồng/kg là nông dân đã quá lời rồi” - ông Nguyễn Văn Huy (61 tuổi), trú tại xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) cho biết. Cũng theo ông Huy, dù giá cao nhưng thương lái cũng không dễ để mua hàng vì hiện nay chưa chính vụ. “Sớm thì cũng phải 40 ngày nữa mới vào vụ sầu riêng. Bình thường thì hai tháng nữa mới là chính vụ. Còn vụ nghịch thì thường nông dân họ cắt bán từ trước Tết rồi. Hy vọng tới chính vụ giá bằng một nửa bây giờ là nông dân cũng thấy vui rồi” - ông Huy chia sẻ.

Được coi là “vương quốc trái cây” ở miền Nam, thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, tính đến đầu năm 2023, tỉnh này có khoảng 33.000ha sầu riêng, sắp chính vụ thu hoạch với sản lượng lên tới gần 300.000 tấn. Ngoài nhu cầu tăng, việc Trung Quốc cấp mã số sầu riêng cho một số địa phương ở Tiền Giang đã kích thích giá trái cây này tăng cao, kéo theo giá sầu riêng ở một số địa phương khác (với chất lượng tương đương) cũng tăng theo.

Nhưng không chỉ có sầu riêng, nhiều loại trái cây khác ở miền Tây Nam bộ cũng đang tăng giá mạnh những ngày sau Tết cổ truyền. Trong đó, dừa cũng tăng khá nhiều, dù không được như sầu riêng nhưng cũng mang đến nguồn thu đáng kể cho nông dân. Từ đầu năm 2023 tới nay, giá dừa dao động ở mức từ 60-65 nghìn đồng/chục (12 trái), tức khoảng hơn 5.000 đồng/trái. Nếu so với khoảng 6 tháng trước, giá dừa đã cao gấp 2,5 lần. Với mức tăng như vậy, dừa đã mang đến nguồn thu lớn cho nông dân bởi ở nhiều tỉnh như Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và đặc biệt là Bến Tre bởi dừa là cây trồng phổ biến. Dù không phải là cây công nghiệp nhưng diện tích dừa ở miền Tây Nam bộ không thua kém bất cứ loại cây trồng nào, mang đến lợi nhuận cho nhiều nông dân.

Trong khi đó, thanh long, một loại cây trồng xuất khẩu chủ lực khác ở miền Tây Nam bộ (tập trung chủ yếu ở tỉnh Long An và Tiền Giang) cũng có mức giá rất cao, khoảng 30.000 đồng/kg loại một. Loại 2 cũng có mức giá từ 22.000 đồng tới 25.000 đồng/kg. Nếu so với mức giá xuống thấp khoảng 10 tháng trước, khi có giá từ 3.000 tới 5.000 đồng/kg thì mức giá hiện nay là đáng mơ ước. Thậm chí, so với những thời gian không ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thanh long cũng cao hơn khoảng 30%.

Có sản lượng lớn thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bình Thuận), vùng thanh long ở huyện Châu Thành (tỉnh Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) đã đem lại nguồn thu lớn cho nông dân thời gian qua. Tuy nhiên, giá thanh long thường xuyên biến động mạnh khiến nhiều người dân bất an. Từ đầu năm 2023, giá thanh long tăng và neo ở mức cao cùng với việc vụ thu hoạch đã bắt đầu là tín hiệu tích cực cho nhiều hộ dân.

Ông Cao Tấn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, địa phương có gần 7.000ha thanh long với khoảng 80% đang bước vào vụ thu hoạch. Việc thanh long có mức giá cao khiến nhà vườn, thương lái rất phấn khởi. Ít tháng trước đã xuất hiện tình trạng nông dân chặt bỏ vườn thanh long vì giá thấp nên hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền nông dân giữ và phát triển vườn thanh long. Hiện thanh long ở Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hầu hết các vườn thanh long ở Chợ Gạo được thương lái thu mua, phân loại và đưa vào các kho chứa trước khi xuất khẩu.

Nằm kề đó, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) cũng là vùng trồng thanh long với diện tích tương đương huyện Chợ Gạo. Giá thanh long lên/xuống gần như tác động lập tức tới đời sống của hàng nghìn hộ dân. Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết, trong vài tháng qua, giá thanh long tăng từ 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg đã mang đến nhiều lợi nhuận cho nông dân. Sau một thời gian dài lao đao vì giá thấp, người trồng thanh long đã được hưởng niềm vui và nhận được thành quả từ loại cây công nghiệp này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Chí - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, một thời gian dài vừa qua thanh long có mức giá thấp đã khiến nhiều hộ nông dân thua lỗ, thậm chí chặt bỏ loại cây chủ lực này. Vì vậy ngành nông nghiệp địa phương đang tìm cách hỗ trợ để người trồng thanh long có thể phát triển bền vững. Trong đó tập trung giữ vững thị trường xuất khẩu, hỗ trợ vay vốn khi nông dân cần và tuyên truyền để nông dân kiên trì với cây thanh long, không chặt bỏ khi bị tụt giá.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc giá cả của nhiều loại nông sản xuất khẩu ở miền Tây Nam bộ tăng cao đã giúp nông dân bước đầu duy trì, hồi phục sản xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng thời gian tới là cần giữ được mức giá này, khi mùa thu hoạch chính vụ tới để người dân thực sự được hưởng niềm vui được mùa, được giá.

Đoàn Xá