Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

S.Tuyến 06/02/2023 07:00

Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng, vật nuôi...

Thực tế cho thấy, những năm gần đây nước mặn từ biển ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng, nồng độ mặn đo được tại một số tuyến sông, kênh rạch ở Hậu Giang, Sóc Trăng… có thời điểm lên đến hơn 18‰.

Để ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về độ mặn trong ngày cho người dân; đồng thời điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo người dân sử dụng các giống ngắn ngày để sử dụng nước hiệu quả. Tỉnh cũng đã quy hoạch hơn 250.000ha để xây dựng các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản theo sinh thái nguồn nước ngọt, nước mặn, nước lợ.

Đối với vùng ven biển thường xuyên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy hải sản dưới tán rừng. Các vùng thuộc huyện Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị… tập trung phát triển diện tích lúa và cây ăn trái.

Tại Hậu Giang, để chuẩn bị phương án ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023, các ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh đã rà soát những vùng có khả năng mặn xâm nhập; đồng thời, lập kế hoạch duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn nước tưới, tiêu và trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất; triển khai đắp hàng trăm đập thời vụ ở những tuyến kênh rạch chưa xây dựng cống để ứng phó với nước mặn xâm nhập.

Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là các địa phương giáp biển, các địa phương vùng ĐBSCL đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ sử dụng nước ngọt sang sử dụng nước lợ, nước mặn vừa để thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Cùng với những chính sách quản lý, khai thác tài nguyên nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân ĐBSCL đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với xâm nhập mặn bằng việc chuyển cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Vào mùa khô thay vì tìm nguồn nước ngọt để trồng lúa thì nay người dân chuyển qua nuôi tôm để thích ứng với nguồn nước mặn, ngọt.

Tại vùng ven biển, nhiều diện tích đất lúa thường xuyên ngập mặn, người dân đã chủ động chuyển sang trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cua dưới tán rừng. Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn trước đây, người dân vùng ĐBSCL hiện đang chủ động nạo vét ao, mương, rạch để tích trữ nguồn nước cuối mùa mưa phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho những tháng mùa khô.

S.Tuyến