Thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Thí sinh yên tâm học và ôn tập
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 sẽ diễn ra vào tháng 7/2023 với chủ trương về cơ bản ổn định. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố cấu trúc đề các môn thi tốt nghiệp để các thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Giữ nguyên cấu trúc đề thi
Bộ GDĐT đã chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và các năm sau theo hướng giữ ổn định như năm 2022, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tổ chức kỳ thi. Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cấu trúc vẫn giữ ổn định như năm 2022. Dự kiến, cấu trúc đề thi môn Toán vẫn gồm 50 câu hỏi, trong đó có 5 câu thuộc về kiến thức lớp 11 và 45 câu còn lại thuộc về kiến thức lớp 12. Đề thi môn Toán gồm có 24 mã đề khác nhau và có 4 mã đề thi chính thức.
Tương tự với các môn thi khác, hầu hết kiến thức đều thuộc về lớp 12. Tuy nhiên, đại diện Bộ GDĐT lưu ý thí sinh không nên chủ quan để đánh rơi điểm ở những câu hỏi kiến thức của lớp 11.
Ông Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu năm nhà trường đã có kế hoạch cụ thể về việc học và ôn tập cho học sinh cuối cấp. Ngay sau khi Bộ GDĐT thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh học sinh để cùng đồng hành trong việc học tập với con em mình nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. “Nhà trường phổ biến quy chế thi cho phụ huynh và học sinh, xây dựng kế hoạch ôn thi, thi thử trên mạng, thi thử trực tiếp để các em được cọ xát. Ngoài ra, trường tổ chức các lớp dành cho học sinh yếu kém ở các môn (Văn, Toán, Anh, Lý, Hóa...) và yêu cầu bắt buộc các em phải tham gia. Tất cả đều được nhà trường tổ chức miễn phí” - ông Phi nói.
Hiện thầy và trò lớp 12 vẫn đang tích cực ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng thời với những học sinh có nguyện vọng tham gia các kỳ thi riêng đánh giá năng lực, thi chứng chỉ quốc tế để xét tuyển vào đại học, thầy cô cũng có những tư vấn, định hướng phù hợp để các em và gia đình tham khảo.
Tăng cường vận dụng thực tiễn
PGS TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học. “Việc này đã được thực hiện 2 năm qua, nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - ông Chương nói.
Tuy nhiên, điều này khiến một số giáo viên băn khoăn bởi lâu nay, học sinh vẫn quen với việc “thi gì học nấy” chứ không phải “học gì thi nấy”. Nếu đề thi thực tế khác với đề thi minh họa, sẽ có những học sinh mất điểm.
Bà Lê Thị Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cho biết, năm học 2022-2023, theo quy định mới của Bộ GDĐT, giáo viên sẽ sử dụng những dữ liệu ngoài sách giáo khoa trong xây dựng đề thi kiểm tra định kỳ và kiểm tra thường xuyên môn Ngữ văn. Các giáo viên sử dụng ngữ điệu mới, ngoài sách giáo khoa trong phần đọc hiểu và phần làm văn. Đồng thời tăng cường hướng dẫn mới, yêu cầu học sinh phải nắm được cấu trúc, yêu cầu của đề thi, các dạng đề khác nhau để học, ôn luyện hiệu quả hơn.
Việc sử dụng dữ liệu ngoài sách giáo khoa đòi hỏi cả học sinh và giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhưng cũng “cởi trói” cho cả giáo viên và học sinh về việc học tủ, đoán tủ mỗi mùa thi vốn năm nào cũng xôn xao đến mức các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nếu đã là dữ liệu bất kỳ không bị bó buộc trong sách giáo khoa thì học sinh phải học các dạng bài, phương pháp làm bài để gặp bài nào cũng có thể làm được, không sợ “tủ đè”, kỳ thi như vậy cũng sẽ phần nào giảm áp lực việc ôn luyện.