Nguy cơ tử vong từ bệnh lý xoắn ruột ở trẻ nhỏ
Xoắn ruột là bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh từ 3-9 tháng tuổi. Thế nhưng, đây lại là một bệnh lý nguy hiểm dễ gây ra những biến chứng có thể dẫn tới tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt hơn khi bệnh này có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác.
Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại của cơ sở y tế này vừa phẫu thuật cứu sống bé gái N. T.T. (7 tuổi, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc do xoắn ruột hoại tử và phải cắt bỏ hầu như toàn bộ ruột.
Mẹ của bệnh nhi cho biết: “Khoảng 14 tiếng trước khi nhập viện, tôi thấy con khóc, kêu đau bụng cơn và buồn nôn, nôn nhiều lần, gia đình cho uống nước thì cháu cũng nôn ra hết. Rất lo lắng cho tình trạng của cháu nhưng vì thời điểm đó vào buổi tối nên chờ tới khi trời sáng tôi mới đưa con tới cơ sở y tế địa phương để siêu âm, chụp X-quang và được các bác sỹ tuyến huyện cho chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để điều trị”.
Theo bác sĩ Phạm Văn Đại - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhi T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch với tiên lượng nặng. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán xác định xoắn ruột, viêm phúc mạc toàn thể và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí thương tổn thực thể; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để hồi sức tích cực.
Sau 3 giờ phẫu thuật, bệnh nhi đã được phẫu thuật thành công và thoát khỏi tình trạng nguy kịch, thế nhưng, do đến viện muộn, đoạn ruột bị xoắn đã không còn khả năng hồi phục nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hầu như toàn bộ ruột của bệnh nhân.
Một trường hợp khác, bệnh nhi N. M.T. (6 tuổi, Hà Tĩnh) nhập viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng hết sức nguy kịch, trẻ đau bụng dữ dội hơn 1 ngày, lơ mơ, tái nhợt, dọa ngừng tim, bụng trướng hơn bình thường. Sau thăm khám, các kết quả cho thấy bệnh nhi bị xoắn ruột hoại tử, suy hô hấp, cần theo dõi nhiễm khuẩn huyết và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn.
Mặc dù đã được phẫu thuật thành công, nhưng theo bác sĩ Đậu Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bệnh nhi nhập viện ở giai đoạn muộn nên khoảng 30cm ruột non của bé bị thoát vị nội, hoại tử thâm đen phải cắt bỏ. Hơn nữa, sau phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu cũng không ít phần nan giải, bởi bệnh nhi đã có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc. Trẻ phải thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, truyền bù gần 2 lít máu, chế phẩm máu.
Chuyên gia y tế cho biết, đối với người lớn, tình trạng xoắn ruột chủ yếu là do lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc điều trị tâm thần, hoặc đôi khi không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Trong khi đó, ở trẻ em, xoắn ruột non thường là do sự xoay bất thường của ruột, có thể là xảy ra trong quá trình hình thành ruột non khiến ruột bị xoắn hoặc tắc nghẽn. Nhìn chung, trẻ bị xoắn ruột thường có các biểu hiện như đầy hơi, chướng bụng, bụng căng, rối loạn đại tiện, quấy khóc, đau bụng kéo dài, nôn mửa… đây là những triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác nên nhiều bậc cha mẹ dễ nhầm lẫn, chủ quan khi cho rằng trẻ đau bụng, quấy khóc là thường gặp. Thế nhưng, thực tế, xoắn ruột ở trẻ là một trong những tình trạng cần cấp cứu nội, ngoại khoa khẩn cấp. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu xử lý chậm trễ đến bệnh viện.
Do vậy, bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện thấy trẻ có một vài triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, bụng căng, rối loạn đại tiện, quấy khóc, đau bụng kéo dài, nôn mửa…, cha mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ trong vòng 1 giờ. Nếu thấy trẻ nhỏ đau khóc theo từng cơn, nôn ói liên tục, không ăn bú gì cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa tiêu hóa gần nhất để các bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh. Cấp cứu kịp thời có thể giúp các bé bị xoắn ruột không phải cắt bỏ ruột, và chức năng ruột vẫn phục hồi sau cấp cứu. Tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ bị xoắn ruột tại nhà, vì điều này khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, khó điều trị hơn.
Sau khi điều trị xoắn ruột, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ để trẻ phục hồi nhanh hơn. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Nên chia làm các bữa nhỏ, không nên ăn nhiều một lúc vì lúc này ruột trẻ đang trong giai đoạn phục hồi. Nên theo dõi biểu hiện của trẻ trong những ngày tiếp theo, khi phát hiện thấy triệu chứng lạ cần đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra lại, tránh các biến chứng hoặc trường hợp trẻ bị xoắn ruột tái phát.
BSCKII Nguyễn Thị Hằng - nguyên Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện E cho biết: “Xoắn ruột là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp cần điều trị kịp thời vì nếu không xử lý đoạn ruột bị xoắn sau 6 tiếng xuất hiện triệu chứng, các bé sẽ bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc, phải cắt bỏ ruột do hoại tử hoặc nguy hiểm hơn có thể tử vong. Tuy nhiên, nếu bố mẹ phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời, tỷ lệ mắc biến chứng ở trẻ bị xoắn ruột sẽ được cải thiện đáng kể”.