Tìm hướng phát triển xe buýt công cộng
Từ năm 2017, Hải Phòng đã đặt mục tiêu giai đoạn 2020 – 2025, năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng từ 5 - 10% nhu cầu đi lại của người dân. Để đạt mục tiêu này, cần mở thêm hàng chục tuyến xe buýt mới. Tuy nhiên, đến nay, mạng lưới xe buýt của Hải Phòng không những không tăng, ngược lại có chiều hướng giảm so với lộ trình đề ra.
Số liệu thống kê cho biết, năm 2017, Hải Phòng có 14 tuyến xe buýt đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng. Để nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, Hải Phòng đã xây dựng Nghị quyết về quy hoạch, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể như đến năm 2020 sẽ phát triển thành 22 tuyến, trong đó có 1 tuyến buýt kết nối với tỉnh Quảng Ninh, 1 tuyến buýt vòng tròn nội đô, có năng lực vận chuyển đạt 31,6 - 44,2 triệu lượt khách/năm, đáp ứng 5-7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2025 sẽ có 31 tuyến xe buýt trong đó có 3 tuyến liền kề, kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có năng lực vận chuyển đạt 54,6 - 70,3 triệu lượt khách/năm, đáp ứng từ 7- 10% nhu cầu đi lại của người dân.
Để mạng lưới xe buýt phủ khắp Hải Phòng, thành phố cũng quy hoạch các bãi đỗ xe buýt, quy hoạch từ 26 - 29 điểm trung chuyển và 499 – 700 điểm dừng đỗ và 150 nhà chờ xe buýt.
Ngoài ra, nhằm hạn chế nhược điểm của xe buýt nội đô thường chậm, xe buýt hay dừng đỗ đón trả khách, giai đoạn 2020 – 2025, Hải Phòng cũng quy hoạch một số tuyến xe buýt hiện đang khai thác thành 2 tuyến xe buýt nhanh (BRT).
Tuy nhiên, đến nay, Hải Phòng mới thu hút được 3 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng với 79 đầu phương tiện, hoạt động tại 10 tuyến xe buýt (giảm 4 tuyến xe buýt so với năm 2017). Trong số 79 đầu phương tiện vận tải hành khách công cộng cũng chỉ có 20 xe buýt mới được đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng.
Cũng trong giai đoạn này, Hải Phòng mới đầu tư 67 nhà chờ, 154 cột biển báo, 4 nhà bán vé, 108 vạch sơn, sơ đồ tuyến, những hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Do thiếu phương tiện, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ nên cả giai đoạn 2017 – 2022 mới có 13,6 triệu lượt hành khách sử dụng xe buýt làm phương tiện vận tải công cộng đi lại trên địa bàn Hải Phòng.
Theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, các chỉ số về đầu tư phương tiện, năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt qua các năm có tăng trưởng nhưng còn ở mức khiêm tốn, chưa thực sự bền vững. Nguyên nhân được xác định là do nguồn lực đầu tư cho xe buýt của các đơn vị vận tải còn yếu, hoạt động chưa hiệu quả, một số tuyến xe buýt vẫn còn sử dụng xe cũ, chất lượng thấp; mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hải Phòng còn mỏng, chưa có tính kết nối cao nên chưa thu hút được người dân thường xuyên sử dụng loại phương tiện hành khách công cộng này.
Một bất cập khác, trong giai đoạn này, Hải Phòng đã hỗ trợ 145 tỷ đồng cho hoạt động vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, việc trợ giá mới thực hiện 7/10 tuyến xe buýt. Các tuyến xe buýt hoạt động theo hình thức xã hội chưa được hưởng trợ giá trực tiếp từ ngân sách, chưa kịp thời đầu tư thay thế xe buýt cũ bằng xe buýt mới...
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được đánh giá có nhiều ưu điểm như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo được nét văn minh đô thị, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, để vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Hải Phòng cần nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ, phát triển loại hình vận tải hành khách này.