Hà Tĩnh: Thương binh 88 tuổi nộp tiền mua đất TĐC mỏi mòn chờ cấp bìa suốt 16 năm
Một thương binh 88 tuổi ở xã miền núi của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh nộp hơn 8 triệu đồng để được cấp đất tái định cư (TĐC) với mong muốn thoát khỏi cảnh ngập lụt. Thế nhưng, hơn 15 năm, trải qua 3 đời Chủ tịch UBND xã, miếng đất ông xây nhà để ở vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
88 tuổi, ông Vũ Xuân Thía (thương binh 4/4, trú thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn phải ôm đống hồ sơ đất đai đi “gõ cửa” chính quyền, cơ quan chức năng để đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Sống một mình ở trong căn nhà nhỏ tềnh toàng, cũ kỹ chờ sập ở xã miền núi Kỳ Sơn, ông Thía bày tỏ sự mệt mỏi trong quá trình làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận đất, nơi ông đã làm nhà, sinh sống ổn định suốt 15 năm qua.
Ông kể, sau khi ly hôn với vợ, ông để miếng đất, căn nhà cho vợ và các con ở, còn ông sống vất vưởng nay đây mai đó. Có miếng đất ở vùng thường xuyên ngập lụt nên ông không dám xây nhà mà ở tạm trong trường tiểu học nơi ông làm bảo vệ.
Năm 2007, xã Kỳ Sơn tổ chức TĐC dự án Nhà máy bột ngọt Vedan cho hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Vũ Xuân Thía không thuộc đối tượng được cấp đất TĐC của dự án nhưng ông là thương binh, đất ở vùng ngập lụt nên chính quyền đưa ông vào diện được cấp đất TĐC.
Sau khi có chủ trương, ông Thía là một trong những hộ tiên phong nộp tiền để lên khu TĐC. Phiếu thu tiền của xã Kỳ Sơn ngày 23/6/2007 ghi rõ: Ông Vũ Xuân Thía nộp 8.230.000 đồng (tám triệu hai trăm ba mươi nghìn đồng), lý do nộp là để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu TĐC.
Phiếu thu có đầy đủ chữ ký của người nộp tiền, thủ quỹ, kế toán, thủ trưởng đơn vị và đang được ông Vũ Xuân Thía lưu giữ đến nay.
“Nộp tiền được khoảng 1 năm, tôi mua ít gỗ rồi nhờ con cháu, họ hàng, hội cựu chiến binh đến đây dựng lên căn nhà nhỏ và tôi ở một mình từ đó đến nay” - ông Vũ Xuân Thía trình bày.
Theo ông Thía, các hộ dân khác lên khu TĐC này đều đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, riêng ông vẫn chưa có.
Theo hồ sơ, từ năm 2015 đến nay, ông Thía đã nhiều lần làm đơn, trích lục bản đồ địa chính và các hồ sơ có liên quan, đề nghị cấp có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng miếng đất rộng 405 m2, tờ bản đồ số 40, ở thôn Mỹ Lạc, xã Kỳ Sơn - nơi ông sinh sống ổn định từ năm 2008 đến nay.
Tuy nhiên, ông Thía nộp tiền gần 16 năm, trải qua 3 lần thay đổi Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của ông vẫn chưa có.
“Giờ đến tuổi này rồi tôi chỉ mong chính quyền, cơ quan chức năng sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho miếng đất tôi đang ở và có giải pháp hợp lý đối với số tiền 8.230.000 đồng tôi đã nộp năm 2007, đó là tiền mồ hôi công sức của tôi gom góp lại. Được cấp bìa, nếu có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng mãn nguyện”, thương binh Vũ Xuân Thía bày tỏ nguyện vọng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho hay, trường hợp thửa đất của ông Vũ Xuân Thía là cấp đất trái thẩm quyền. Ông Thía không thuộc diện cấp đất TĐC dự án Nhà máy Vedan nhưng vì ông ở vùng ngập lụt, là thương binh nên được xét duyệt. Tuy nhiên, UBND cấp xã không có chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thời điểm đó vẫn thu tiền của người dân là sai.
“Từ khi tôi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã đến nay gần 4 năm nhưng đã thay đổi 5 công chức địa chính. Đất đai của địa phương có nhiều vấn đề tồn đọng, bất cập, trong khi công chức địa chính thay đổi thường xuyên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết tồn đọng cũng như hồ sơ đất đai của người dân”, ông Nguyễn Anh Ngọc giải thích.
Theo ông Ngọc, năm 2011-2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương và quyết định cụ thể về việc xử lý cấp đất trái thẩm quyền nhưng không hiểu sao ông Vũ Xuân Thía không đến kê khai, làm thủ tục.
Mặt khác, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết, đơn vị đã nhận được phản ánh, kiến nghị của gia đình ông Vũ Xuân Thía. Năm 2020, địa phương đã có văn bản xin ý kiến huyện Kỳ Anh, hiện nay đang chờ chủ trương của huyện.